Tín Nghĩa luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển cà phê. Ảnh: Lê Toàn

 
Viết Nguyên Thứ Tư | 19/12/2018 14:00

"Con cưng Đồng Nai" lên sàn Upcom

“Ông trùm” cà phê và khu công nghiệp Tín Nghĩa lên Upcom có gì hấp dẫn?

Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa, một trong những tập đoàn đa ngành (khu công nghiệp, nông sản, thức ăn chăn nuôi, logistics, xăng dầu...), vừa chính thức lên sàn UPCoM ngày 12.12 với mã TID. Đây là một trong những cổ phiếu được giới đầu tư chờ đợi vì cái tên Tín Nghĩa rất đình đám trong giới kinh doanh, đầu tư.  

 Ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, chủ yếu là cà phê, Tín Nghĩa chỉ đứng 2 sau Intimex. Đây là mảng chủ lực, đóng góp hơn 90% trong 9.247 tỉ đồng tổng doanh thu năm 2017 của Tín Nghĩa. Về lợi nhuận, xuất khẩu nông sản cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất, gần 35% lợi nhuận gộp của Công ty.

Với đặc điểm này, Tín Nghĩa luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển cà phê. Từ 13 năm trước, bên cạnh xuất khẩu cà phê nhân, Tín Nghĩa còn đầu tư sản xuất các mặt hàng cà phê cho giá trị gia tăng cao hơn như cà phê rang xay, cà phê hòa tan “3 trong 1” với thương hiệu Scafé. Sản phẩm này sau đó đã được chấp nhận ở nhiều thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Tình hình khả quan đến mức từ 2 năm trước, Tín Nghĩa đã kết hợp cùng một số đối tác đầu tư nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với công suất 3.200 tấn cho giai đoạn 1. Tín Nghĩa cũng đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu cà phê sang Lào. Nơi đây, Tín Nghĩa thành lập 2 nông trường chuyên canh cà phê, thuộc dòng Arabica. Tín Nghĩa đặt mục tiêu đạt doanh thu xuất khẩu 250 triệu USD vào năm 2020, tức gần gấp đôi mức hiện tại.

 

Tuy nhiên, hạn chế của lĩnh vực xuất khẩu nông sản là biên lợi nhuận gộp thấp, chỉ khoảng 2%. Chính vì thế, trong cơ cấu lợi nhuận, Tín Nghĩa phải dựa nhiều ở mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, đây là mảng cho biên lợi nhuận hấp dẫn (59-60%) và đóng góp tới 31,4% lợi nhuận gộp năm 2017 của Công ty. Xét vị thế, Tín Nghĩa xếp thứ 4, chiếm 8% thị phần khu công nghiệp tại miền Nam. Về quy mô, Tín Nghĩa đang đầu tư 8 khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500ha, thu hút hơn 250 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỉ USD. Nhưng tính ra, mảng khu công nghiệp còn đóng góp khiêm tốn, chỉ đạt 255,8 tỉ đồng, chiếm 2,8% doanh thu năm 2017 của Tín Nghĩa. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cho thuê diện tích khu công nghiệp ở mức trên 90% diện tích được phép cho thuê.

Tín Nghĩa cũng tham gia vào mảng thức ăn chăn nuôi, khi trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Donafoods, nắm giữ 54% vốn điều lệ tại đây. Đối với các mảng khác như logistics, Tín Nghĩa đã triển khai 2 khu vực thông quan là ICD Biên Hòa và ICD Đồng Nai. Tín Nghĩa cũng là đầu mối kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại miền Nam với mạng lưới 42 trạm. Ngoài ra, Tín Nghĩa còn đầu tư vào bất động sản, xây dựng, thương mại… Tuy nhiên, khi nhìn vào cơ cấu doanh thu, các lĩnh vực này đóng góp chưa đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận cho Tín Nghĩa.

Xét tổng thể, Tín Nghĩa là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn (2.000 tỉ đồng), có doanh thu gần chạm ngưỡng 10.000 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế năm 2017 đã tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 430 tỉ đồng. Nhưng theo các chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu TID chỉ được định giá chào sàn ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu bởi một số trở ngại đáng kể.

 

Thứ nhất, biên lợi nhuận ròng của Tín Nghĩa không cao, dưới 5%. Thứ hai, Tín Nghĩa nợ nhiều. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, nợ vay ngắn hạn dài hạn hiện nay của Tín Nghĩa đang cao hơn vốn chủ sở hữu. Vì thế, chỉ riêng chi phí lãi vay đã ở mức 121 tỉ đồng năm 2017. Sang 6 tháng đầu năm nay, chi phí tài chính của Tín Nghĩa tiếp tục tăng.

Một vấn đề khác khiến giới đầu tư e dè trước cổ phiếu TID là chỉ riêng 2 cổ đông lớn nhất gồm Tỉnh ủy Đồng Nai và Đầu tư Thành Thành Công đã nắm 81,7% vốn điều lệ của Tín Nghĩa. Điều này lý giải vì sao cổ phiếu TID không có giao dịch ở phiên đầu tiên. Tín Nghĩa cũng thường hụt hơi với mục tiêu kinh doanh. Tính đến 9 tháng đầu năm 2018, Tín Nghĩa vẫn cách xa đích đến lợi nhuận cả năm, với doanh thu thuần đạt 7.543 tỉ đồng còn lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 2,1%, xuống còn 191 tỉ đồng.

Dù vậy, dựa trên triển vọng ngành, Tín Nghĩa vẫn lạc quan với các kế hoạch tăng trưởng. Theo tính toán của Tín Nghĩa, với việc hoàn thành ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam, kinh doanh xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu cà phê nói riêng của Tín Nghĩa sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

 

Về lực cầu, Tín Nghĩa quan sát thấy tiêu thụ cà phê hòa tan ở thị trường châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc...) rất lớn. Thời gian tới, theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Việt Nam có thể là Mỹ, các nước châu Âu, Nhật, khu vực Đông Nam Á. Đối với sức tiêu thụ trong nước, theo báo cáo của BMI, 12 năm nay, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg/người/năm lên 1,7 kg/người/năm. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,6 kg/người/năm vào năm 2022. Việt Nam đã trở thành một trong những nước có mức tiêu thụ cao nhất Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Tín Nghĩa mạnh dạn đặt các kế hoạch kinh doanh  tăng trưởng qua các năm. Chẳng hạn, sang năm 2019, Tín Nghĩa dự kiến sẽ đạt doanh thu 12.000 tỉ đồng, lãi sau thuế 500 tỉ đồng, cổ tức 12%.