Cơn bĩ cực mang tên cao su
Diện tích và sản lượng tăng…
Sản lượng cao su thế giới liên tục tăng những năm qua. Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), giai đoạn 2010-2013, sản lượng cao su toàn cầu đã tăng 12,3% từ 24,5 triệu tấn năm 2010 lên 27,53 triệu tấn năm 2013, trong đó cao su thiên nhiên đạt 12,04 triệu tấn.
Dự báo, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2014 đạt 12,1 triệu tấn, tiêu thụ dự báo sẽ đạt 11,9 triệu tấn, và dư thừa 0,2 triệu tấn. Lý do chính của sự gia tăng này là do diện tích cũng như sản lượng cao su của các nước sản xuất lớn trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ tăng trong những năm qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Tự nhiên (ANRPC), Thái Lan hiện vẫn là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới. Năm 2013 sản lượng cao su thiên nhiên của nước này đạt gần 4,2 triệu tấn, tăng 10,3% so với 3,78 triệu tấn năm 2012. Dự báo, sản lượng cao su thiên nhiên năm 2014 tăng 5%, được thúc đẩy bởi các đồn điền trưởng thành.
Hiện Thái Lan chiếm 1/3 nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới với giá trị thị trường đạt khoảng 25 tỷ USD/năm.
Diện tích cao su của Thái Lan hiện đạt 2,8 triệu ha. Diện tích tăng mạnh kể từ năm 2004 khi chính phủ Thái Lan tiến hành chương trình nâng cao thu nhập của nông dân bằng cách khuyến khích họ trồng cao su nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của ngành sản xuất lốp xe.
Đứng thứ 2 là Indonesia. Năm 2013 sản lượng cao su thiên nhiên của Indonesia ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2012. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi bất thường do hiện tượng El Nino có thể khiến sản lượng cao su của Indonesia giảm 3%, xuống còn 3 triệu tấn trong năm 2014. Gần 90% lượng cao su Indonesia đến từ những nông trại quy mô nhỏ, với tỉnh Sumatra chiếm 70% tổng sản lượng.
Số liệu thống kê mới nhất của ANRPC cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Ấn Độ để trở thành nước sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ ba thế giới trong danh sách 9 nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới.
Theo ANRPC, năm 2013, sản lượng cao su của Việt Nam ước đạt 1,043 triệu tấn, tăng 20,8% so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng cao su tự nhiên của Việt Nam vượt qua mốc 1 triệu tấn. Nhờ vậy, Việt Nam đã leo từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong danh sách các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới.
Diện tích trồng cao su của Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ mức 450.000 ha năm 2003 lên mức khoảng 955.000 ha năm 2013.
Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam, những năm 1990, năng suất trung bình cao su Việt Nam đạt 700-800 kg/ha, con số này tăng lên 1.720 kg/ha, tương đương với Thái Lan và chỉ đứng sau Ấn Độ.
Sản lượng cao su của Trung Quốc năm 2013 tăng 7,7% lên 856.000 tấn, đưa nước này lên vị trí thứ 4. ANRPC dự đoán, sản lượng cao su năm 2014 của Trung Quốc sẽ tăng 6,3% lên 910.000 tấn.
Theo số liệu thống kê, diện tích trồng cao su của nước này năm 2013 đạt 1,13 triệu tấn, xếp thứ 5 thế giới. Vùng sản xuất cao su chủ yếu là Hải Nam, Vân Nam và Quảng Đông.
Ấn Độ cũng bị tụt một bậc trong danh sách xuống vị trí thứ 5 do chỉ sản xuất được 849.000 tấn.
Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, nguyên nhân chủ yếu khiến Ấn Độ bị tụt xuống vị trí thứ 5 là do sản lượng của Ấn Độ sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2008-2013. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng về nguồn cung cao su, khiến nước này phải đẩy mạnh nhập khẩu cao su trong niên vụ 2013-2014.
Năm 2013, sản lượng cao su tự nhiên tại Ấn Độ giảm 7,6% xuống còn 849.000 tấn. Các số liệu sơ bộ của Ủy ban Cao su Ấn Độ cho thấy năng suất cao su ở Ấn Độ trong niên vụ 2012-2013 chỉ đạt 1.813 kg/ha, giảm mạnh so với con số 1.867 kg/ha trong niên vụ 2008-2009.
Theo Ủy ban Cao su Ấn Độ, giai đoạn tháng 4-7/2014, sản lượng cao su nội địa của Ấn Độ đạt 226.000 tấn, tăng 15,3% so với 196.000 tấn cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, Malaysia đã tụt từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 6 khi nước này chỉ sản xuất được 826.421 tấn cao su, giảm 10,4% so với 922.789 tấn năm 2012. Diện tích trồng cao su năm 2013 đạt gần 106 triệu ha, tăng so với 104 triệu ha năm 2012.
Giá cao su thế giới đã giảm 60-70% kể từ tháng 3/2011, khiến ngành cao su nhiều nước lao đao.
Thời hoàng kim của ngành cao su ngày càng lùi xa khi giá cao su thế giới ngày càng giảm với mức giảm lên tới 60-70% kể từ tháng 3/2011.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), từ năm 2003, ngành cao su Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cao su liên tục giảm. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt đứng ở 36-41 triệu đồng/tấn (1.706-1.943 USD), giảm 25,76% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 56% so với năm 2011.
Trong khi đó, giá cao su thiên nhiên tại Ấn Độ, nước sản xuất cao su lớn thứ 5 thế giới, hôm 8/8 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4,5 năm qua khi chỉ đạt 13.500 rupee/100kg.
Giá cao su tờ hun khói Thái Lan (RSS3) cũng đã giảm 1/5 trong năm nay xuống 2 USD/kg, giảm từ 2,45-2,50 USD/kg hồi đầu năm nay.
Cung vượt cầu
Có lẽ một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá cao su giảm mạnh trong những năm qua là tình trạng thừa cung trong khi nhu cầu tăng chậm do suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu cao su.
Kết quả tất yếu là cung cao su bắt đầu vượt cầu từ năm 2011 và kéo dài suốt 3 năm nay. Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), cho biết trong 3 quý đầu năm 2013, cung đã dư thừa so với cầu tới 149.000 tấn.
Tổ chức tư vấn Rubber Economist Ltd dự đoán dư thừa cao su toàn cầu sẽ kéo dài 3 năm nữa với mức dư thừa năm 2014 là 652.000 tấn, năm 2015 là 483.000 tấn và năm 2016 là 316.000 tấn.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ trên thế giới lại tăng không đáng kể trong năm 2011 và 2012, do khó khăn của kinh tế toàn cầu. Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), có đến 68% lượng cao su thiên nhiên được dùng để sản xuất vỏ lốp xe. Vì thế, khi công nghiệp ôtô-xe máy gặp khó, các nước đã phải giảm mạnh lượng tiêu thụ cao su.
Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, đang có lượng dự trữ kỷ lục. Tính đến 16/5, dự trữ tại Thanh Đảo, trung tâm thương mại cao su chính của Trung Quốc, đạt kỷ lục 270.000 tấn. Nhập khẩu cao su của nước này cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây do sản xuất bị thu hẹp và nguồn cung nội địa đã tăng lên đáng kể. ANRPC dự báo nhập khẩu cao su của Trung Quốc năm nay đạt 4,26 triệu tấn, giảm 14,3% so với năm ngoái.
Hơn nữa, dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2014, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc nhu cầu cao su của thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới này cũng giảm, càng gây áp lực lên giá.
Tìm lối thoát
Các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang tính đến việc cùng nhau hợp tác nhằm hỗ trợ giá cao su, một năm sau nỗ lực tương tự không thành, do giá lốp cao su giảm xuống mức thấp trong năm năm qua trước những lo ngại về tình kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu - đang tăng chậm lại.
Ba nước trên, chiếm tới 70% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu, đang nghiên cứu xem việc cùng nhau hạn chế xuất khẩu, giảm khai thác mủ cao su hay thu mua mặt hàng này từ những người nông dân có thể “xoay chuyển” đà giảm của giá hay không.
Ba quốc gia Đông Nam Á nói trên đã cùng thành lập Côngxoócxium Cao su Quốc tế (IRCo) và nhất trí giảm xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, tương đương 3% sản lượng cao su toàn cầu năm 2012.
Còn tại từng nước sản xuất cao su chủ yếu, chính phủ và nông dân cao su cũng đang có những biện pháp khác nhau để đối phó với tình trạng giá cao su giảm thê thảm.
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh. Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy. Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850 ha. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có số lượng cây cao su bị chặt bỏ lên tới gần 1.750 ha, tập trung chủ yếu là những cây non, trồng sen canh với cây cà phê hay tiêu và vườn cây già cho năng suất thấp.
Trước tình hình này, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo cho người trồng cao su. Theo đó, trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, bà con nông dân có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, thu hoạch hợp lý để giảm chi phí như đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón, trồng xen cây ngắn ngày để có thu nhập trước mắt. Những vườn cao su đang kinh doanh có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Đối với cao su đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo.
Trong khi đó, tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, chính phủ nước này lại đang khuyến khích nông dân cao su chuyển đổi cây trồng và đặt mục tiêu giảm hơn nữa diện tích cây cao su.
Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch khuyến khích nông dân chặt hạ 350.000 cây cao su/năm nhằm hạn chế tình trạng giá cao su thiên nhiên sụt giảm đến 60% trong 3 năm qua, và chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng cọ dầu. Theo Tổng cục Nông Nghiệp, Chính phủ hy vọng nông dân trồng cao su sẽ chặt hạ 160.000 ha cây cao su – khoảng 8% tổng diện tích trồng cao su cả nước – để chuyển sang trồng cọ dầu với kế hoạch tăng 25% diện tích cọ dầu từ mức hiện tại 4 triệu rai.
Chính phủ sẽ tăng mức hỗ trợ cho nông dân khi chặt hạ cao su lên 21.000 baht (655 USD)/rai (0,16ha), tăng 30% so với 16.000 baht năm 2011.
Thậm chí, Chính phủ quân sự Thái Lan thậm chí còn dư định sử dụng cao su để lót đường với kế hoạch hàng trăm km đường bộ sẽ được cải tạo bằng nhựa đường tráng cao su - một phần trong kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trị giá 75 tỷ USD vừa được thông qua.
Bao giờ giá ngừng giảm?
Câu hỏi đặt ra là khi nào giá cao su sẽ ngừng giảm? Chưa thể có được câu trả lời chính xác và cụ thể về thời gian.
Tuy nhiên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ và châu Âu cùng tốc độ tăng trưởng tốt hơn của kinh tế Trung Quốc, ngành công nghiệp sản xuất lốp xe – lĩnh vực tiêu thụ lớn nhất cao su tự nhiên, chiếm 70% – sẽ tăng trưởng tốt, tạo động lực cho giá cao su thiên nhiên thoát khỏi vùng đáy trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cùng với những biện pháp cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ của các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới như Thái Lan và Malaysia để cắt giảm dần lượng dư thừa, hy vọng, cơn bĩ cực mang tên cao su sẽ sớm kết thúc.
Nguồn Theo DVO