Coca-Cola và PepsiCo: Lỗ vẫn mở rộng đầu tư
Coca-Cola âm vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng
Sự có mặt tràn ngập các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola và PepsiCo trên thị trường Việt Nam khiến người tiêu dùng cho rằng, 2 doanh nghiệp này kinh doanh rất thành công. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam, năm 2010, PepsiCo và Coca-Cola chiếm tới hơn 80% thị phần nước giải khát Việt Nam.
Thế nhưng, số liệu của Cục Thuế TPHCM cho biết, Coca-Cola liên tục lỗ kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay. 10 năm qua, số lỗ của Coca-Cola luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Thậm chí, trong năm 2006 và 2007, Coca-Cola lỗ tương ứng lên tới 228 tỷ đồng và 198 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011, vốn chủ sở hữu Coca-Cola âm hơn 800 tỷ đồng. Có nghĩa rằng, công ty này hiện chỉ đang hoạt động dựa vào các khoản vay, kể cả vốn vay từ công ty mẹ, hoặc tiền của khách hàng.
PepsiCo nộp thuế hơn 40 tỷ đồng trong 3 năm gần nhất
Tình hình từ phía PepsiCo có vẻ có khả quan hơn, mặc dù, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, PepsiCo cũng lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng.
Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên Công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế TNDN mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay là 40,2 tỷ đồng.
Câu hỏi được đặt ra là, khoản lãi này có tương xứng với doanh thu của PepsiCo ở thị trường Việt Nam hay không? Năm 2009, PepsiCo đạt doanh thu 3.840 tỷ đồng, còn năm 2011 là 6.915 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu khoảng 2%.
Lỗ vẫn mở rộng đầu tư
Sau 18 năm kinh doanh ở thị trường Việt Nam, không chỉ lỗ quá lớn, Coca-Cola thậm chí đã cạn cả vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, PepsiCo chỉ có một khoản lãi khiêm tốn.
Mặc dù vậy, cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và công bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm.
Trong khi đó, PepsiCo cũng liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), và mới đây nhất là Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD.
Theo Cục Thuế TPHCM, nguyên nhân thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam là vì tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao. "Mà nguyên vật liệu này lại do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp, do đó giá hương liệu Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm tỷ trọng rất cao (trên 60% giá bán sản phẩm)", ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng Kiểm tra số 1, Cục Thuế TPHCM cho biết.
Với PepsiCo, tỷ trọng hương liệu trong giá bán thành phẩm của công ty này cũng không lớn như của Coca-Cola và doanh nghiệp này đang có lãi.
Không chỉ Coca-Cola, PepsiCo, mà cả BigC, Metro Cash&Carry… đều là những doanh nghiệp thua lỗ lớn mà vẫn liên tục mở rộng đầu tư.
Doanh nghiệp nội bị loại bỏ
Câu hỏi đã được vị chuyên gia lâu năm về đầu tư từng đặt ra rằng, Việt Nam sẽ thu được gì khi các dự án FDI liên tục thua lỗ? Trong trường hợp này, thì Việt Nam được gì kể từ khi Coca-Cola, hay PepsiCo vào Việt Nam? Tất nhiên, câu trả lời đầu tiên là việc làm, là thị trường rộng mở, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm hàng đầu thế giới.
Và trên một khía cạnh nào đó, được cả về thuế. Nhưng với tình trạng kinh doanh thua lỗ như vậy, ngoài 40 tỷ đồng thuế TNDN mà PepsiCo đã nộp, chỉ còn thuế VAT và thuế môn bài. Những thuế môn bài có giá trị không đáng kể, còn thuế VAT là khoản thuế gián thu, người tiêu dùng phải nộp, chứ không phải là DN.
Trong khi đó, cái mất rất rõ ràng, là sự lép vế của các DN nội. "Ban đầu, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta chỉ cho phép họ lập liên doanh, vì sợ họ thâu tóm hết DN trong nước. Nhưng cuối cùng, DN nội đã gần như bị loại bỏ gần hết", một vị chuyên gia bình luận. Hiện tại, trên thị trường không còn doanh nghiệp nào đủ sức cạnh tranh với Coca-Cola và PepsiCo.
Nguồn Báo đầu tư