Đầu tư công được được đánh giá là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 23/11/2022 14:37

“Cỗ xe tam mã” trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Xuất khẩu, Tiêu dùng và Đầu tư công được xem là “Cỗ xe tam mã” của Chính phủ trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo được công bố đầu tháng 11, Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5%-8% so với cùng kỳ năm tước trong kịch bản cơ sở, và trên 8% trong trường hợp tốt nhất, với bốn động lực tăng trưởng chính sau: 1) Tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, 2) Tăng trưởng FDI giải ngân ổn định, 3) Giải ngân đầu tư công tăng tốc, và 4) Tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực. 

Theo Mirae Asset, Xuất khẩu, Tiêu dùng và Đầu tư công được xem là “Cỗ xe tam mã” của Chính phủ trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Theo Bộ Tài Chính, tính từ đầu năm đến 31/10/2022, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 297.774 tỉ đồng, đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cùng kỳ 2021 đạt 48,79% kế hoạch và đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Mirae Asset đã chỉ ra 4 yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới

Thứ nhất, tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý IV năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý III trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản. 

 

Thứ hai, tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỉ giá USD/VND tăng lên. Quan sát thấy, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại đạt 2 tỉ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ. 

Thứ ba, xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. “Theo quan điểm của chúng tôi, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước châu Âu”, Mirae Asset nhận định. 

Về mặt ổn định vĩ mô, áp lực giảm giá của Việt Nam Đồng đã được giảm bớt, đặc biệt là sau hai lần tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào ngày 23/9 và 25/10 (mỗi lần 100 điểm cơ bản). 

“Chúng tôi kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp: 1) ổn định tỉ giá hối đoái; 2) tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng; và 3) lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%; cả 3 điều này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng”, Mirae Asset nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỉ đồng trong tháng 10