Có trợ lực Thái, Sabeco quyết đấu Heineken
Theo thông tin từ HSC, Sabeco đã tiết lộ thông tin về kế hoạch tái cơ cấu nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận thêm khoảng 3-4% trong vài năm tới với kế hoạch phát triển hệ thống phân phối tốt hơn ở các thành phố cấp 1, đặc biệt là tại TP.HCM.
Tuy nhiên, chiến lược này sẽ khiến Sabeco bước vào cuộc chiến giành lại thị phần từ đối thủ Heineken vốn đang khá mạnh tại thị trường.
Chiến lược giành thị phần
Sabeco có kế hoạch tái cơ cấu kinh doanh ở các mảng chủ chốt như sản xuất, phân phối, marketing, chuỗi cung cấp, logistic và kho bãi. Nhiều ý kiến cho rằng, để làm được điều này, có thể Sabeco sẽ phải xem xét việc mua cổ phần thiểu số ở các công ty bia và tiếp đến là các công ty phân phối.
Trước mắt, Sabeco sẽ tập trung vào cải thiện công tác mua nguyên vật liệu thô bằng cách đàm phán để có các điều khoản tốt hơn từ nhà cung cấp. Đồng thời, xem xét chuyển giá và chi phí chung ở các công ty con.
Tận dụng lợi thế sẵn có của Thaibev về marketing và logistic, Sabeco sẽ thực hiện các chiến lược để giành lại thị phần ở khu vực thành thị, các thành phố cấp 1, nhất là tại TP.HCM, vốn là thị trường mà Heineken đang thống lĩnh.
Bên cạnh đó, Sabeco cũng có kế hoạch giới thiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài và tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối quốc tế hiện có của Thaibev.
Theo ước tính của HSC, nếu kế hoạch tái cơ cấu được thực hiện tốt, Sabeco có thể cải thiện được 3 - 4% tỷ suất lợi nhuận gộp trong khoảng 3 năm tới. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco hiện nay vào khoảng 27 - 29%.
Tính toán cũng cho thấy, việc mua lại dần cổ phần thiểu số tại các đơn vị thành viên sẽ giúp Sabeco tiết kiệm được chi phí nhiều nhất. Ở mảng sản xuất bia, Sabeco hiện có 24 đơn vị thành viên nhưng chỉ có 2 đơn vị sở hữu 100% và 6 đơn vị Sabeco sở hữu 51 - 70%.
Với các đơn vị còn lại, bình quân lượng cổ phần Sabeco sở hữu dao động từ 10 - 35%. Vì vậy, Sabeco sẽ phải so sánh kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên, xem xét thỏa thuận giữa Sabeco và các công ty thành viên này và tính tới việc nâng tỷ lệ sở hữu.
Kế hoạch nâng vốn
Sabeco tập trung phát triển song song tại thị trường nông thôn và thành thị. Tính đến hiện tại, Công ty này có kết quả kinh doanh tốt ở khu vực nông thôn.
Tại thành thị, Sabeco sẽ tập trung trong thời gian tới nhiều hơn bằng một sản phẩm mới. Một trong 7 ưu tiên của tổng công ty là phát triển kênh phân phối ở thành thị, nhất là tại TP.HCM, sân nhà của Bia Sài Gòn.
Vừa qua, Công ty Thai Beverage Public (Thaibev) đã tăng vốn tại hai công ty đang thuộc sở hữu trực tiếp (100% vốn điều lệ) là International Beverage Holdings Limited (IBHL) và BeerCo Limited (BeerCo).
BeerCo là đơn vị gián tiếp sở hữu 53% cổ phần Sabeco tại Việt Nam thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Hiện BeerCo sở hữu 49% vốn của Vietnam Beverage. Việc tăng vốn tại IBHL được tài trợ bởi ThaiBev thông qua phát hành trái phiếu, sau đó IBHL tài trợ cho BeerCo nguồn tiền để chi trả các khoản vay.
Theo dự báo của HSC lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Sabeco sẽ giảm 10.3% so với năm 2017 và tăng trưởng 16.7% ở năm 2019. Hồi tháng 7 vừa qua, HSC cũng đã điều chỉnh giảm 7,5% dự báo doanh thu thuần năm 2018 từ 38,932 tỉ đồng xuống còn 36,032 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Sabeco từ 5,309 tỉ đồng xuống còn 4,226 tỉ đồng, giảm 10.3%. Dự báo này sẽ được xem xét lại sau khi kết quả kinh doanh quý 3.2018 được công bố.
So về thị phần, Heineken đang nắm giữ mức thị phần thấp hơn Sabeco nhưng mức doanh thu và lợi nhuận lại cao hơn. Năm 2016, Sabeco đạt gần 6.000 tỉ lợi nhuận trước thuế nhưng chỉ bằng 1/2 so với lợi nhuận của nhóm Heineken Việt Nam trong khi thị phần cao gần gấp đôi.Tính đến 2017, Heineken chiếm 27% thị phần và tuyên bố sẽ tăng lên 34% nên năm 2018