Có tới 76% doanh nghiệp không biết về cộng đồng kinh tế ASEAN
Tại Diễn đàn hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế Asean 2015- Cơ hội và thách thức” ngày 17/10, ông Vũ Văn Chung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh những con số trên nhằm nêu lên thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không mấy quan tâm đến AEC.
Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEAN nói chung cũng như hội nhập kinh tế khu vực nói riêng. Sự thành lập của Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ đưa khu vực trở thành một thị trường chung thống nhất với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và sự luân chuyển vốn tự do hơn.
Cộng đồng kinh tế ASEAN được đánh giá là một trong ba trụ cột chính, không thể thiếu trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, mục tiêu cốt lõi của AEC là phát triển kinh tế ổn định, thịnh vượng, có tính cạnh tranh cao và hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù thời gian thế gấp thế, song các chuyên gia cho thấy sự quan ngại, khi trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm, đánh giá những cơ hội cũng như những thách thức đến từ AEC.
Trong khi đó, ông Chung đã chỉ ra thách thức lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế là vấn đề cạnh tranh.
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó trên chính thị trường nội địa cũng như khả năng vươn ra chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên trong khu vực. Bởi, doanh nghiệp năng lực kém sẽ không thể tham gia các khâu có lợi nhuận cao trong chuỗi cung ứng, cũng như người lao động trình độ thấp sẽ không thể di chuyển tới các vị trí quản lý hay chuyên gia có mức lương cao trong khu vực," ông Chung cảnh báo.
Cụ thể chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều bất cập, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ ra, hiện có khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo. Tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.Bên cạnh đó, một bất cập lớn khác là trình độ ngoại ngữ của lao động trình độ đại học và lao động có tay nghề ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, các lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại các quốc gia trong khu vực, hầu hết là lao động thuộc nhóm phổ thông, hạn chế về trình độ tay nghề và hưởng lương thấp hơn so với người lao động làm cùng ngành nghề của một số quốc gia trong khu vực.
Trước thực tiễn đó, ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ thúc giục, “khi tham gia vào cộng đồng ASEAN, chúng ta cần định vịnằm ở đâu, quan hệ hội nhập như thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta cần thiết kế một kế hoạch tổng thể hội nhập với cam kết, lộ trình được hài hòa đồng thời rút kinh nghiệm từ việc tham gia WTO. Chúng ta cũng cần chuẩn bị nội lực kỹ đồng thời đổi mới thể chế để tận dụng cơ hội khi hội nhập mở ra và nâng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.”
Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm hiểu pháp luật của Việt Nam nói riêng và các quốc gia có quan hệ hợp tác khu vực để đảm bảo thực hiện các giao dịch với đối tác nước ngoài không trái với pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Diễn đàn cho rằng, Chính phủ cần đẩy sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư-kinh doanh, đẩy nhanh quá trình cải cách nền kinh tế đồng thời thực hiện quyết liệt và triệt để cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc hình thành doanh nghiệp, gia nhập thị trường, các thủ tục liên quan đến xây dựng, đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tuyển dụng lao động… bảo đảm giảm tối đa chi phí và thời gian cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để góp phần thu hút đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đồng thời nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để doanh nghiệp cũng như người lao động Việt Nam có đủ trình độ, nội lực tiếp cận những cơ hội đến từ ACE,” ông Chung kiến nghị./.
Nguồn Vietnamplus