Có thể tăng thuế nhiều loại tài nguyên của Việt Nam
Sáng 10/12, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất với nhiều loại tài nguyên.
Chính phủ giải thích: để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước khi phải cắt, giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.
Được đề xuất điều chỉnh khá mạnh từ 1/1/2016 là nhóm khoáng sản kim loại với măng gan tăng từ 11% lên 14%; chì, kẽm: tăng từ 10% lên 15%); khoáng sản kim loại khác (bao gồm cả cô-ban, mô-lip-đen, thuỷ ngân, ma-nhê, va-na-đi): tăng từ 10% lên 15%.
Hiện tại các kim loại này đều có mức thuế suất trần là 20 hoặc 25%.
Từ 1/1/2017, đề xuất của Chính phủ là sắt tăng từ 12% lên 14%, ti-tan từ 16% lên 18%; vàng từ 15% lên 17%; vonfram, ăngtimoan tăng từ 18% lên 20%...
Với mức thuế suất dự kiến như trên, với sản lượng, giá tính thuế như năm 2014, số thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại tăng 125 tỷ đồng so với năm 2014, Chính phủ cho biết.
Mức điều chỉnh ở nhóm này nhận được sự nhất trí của đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan thẩm tra dự án luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, khoáng sản kim loại là tài nguyên không tái tạo và theo báo cáo của Chính phủ đánh giá trữ lượng khoáng sản kim loại còn lại không lớn.
Do đó, để tránh xuất khẩu nguyên liệu thô, góp phần dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến sâu của các doanh nghiệp trong tương lai, đề nghị xem xét điều chỉnh mức thuế suất đối với nhóm khoáng sản kim loại trong danh mục đề xuất của Chính phủ lên mức cao hơn.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với Chính phủ là trong thời điểm hiện nay không điều chỉnh tăng thuế suất đối với nhôm, bauxite và niken. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với bauxite cao hơn mức hiện hành và có lộ trình bắt đầu từ năm 2018.
Với nhóm khoáng sản không kim loại, Chính phủ đề xuất tăng thuế với nhiều loại tài nguyên, như cát từ 11% lên 15%, kim cương, rubi, sa-phia từ 22% lên 27%, từ 7% lên 10% với một số loại than…
Dự kiến sau khi điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản không kim loại tăng khoảng 2.171,6 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Chính phủ còn đề nghị giảm mức thuế suất đối với gỗ rừng tự nhiên nhóm 1 từ 35% xuống 30%; gỗ nhóm 2 từ 30% xuống 25%; gỗ nhóm 3, 4 từ 20% xuống 18%; gỗ nhóm từ 5 đến 8 và các loại gỗ khác gaimr từ 15% xuống 12%.
Tại phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng nên giữ thuế suất các nhóm gỗ 1, 2, 3 vì nếu giảm thuế có thể vô hình chung khuyến khích phá rừng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm 1, 2... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên.
Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn, chỉ 6,9 tỷ đồng.
Giữ nguyên thuế suất nhóm 1, 2, 3, còn giảm từ nhóm 4, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gói lại phiên thảo luận.
Với các đề xuất ở các nhóm còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và thống nhất thời điểm có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 để doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện.
Nguồn Vneconomy