Có thể sẽ hạn chế bớt vốn đầu tư ra nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký
Ngày 11.3 Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra một bản tóm tắt tình hình đầu tư ra nước ngoài năm 2012. Theo đó xu hướng đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây đang có sự gia tăng đáng kể và tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài...
Theo đó, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2012 đạt 1,546 tỷ USD, bằng 61,11% so với năm 2011.
Trong năm 2012, đã có 84 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 1,41 tỷ USD và 9 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 132,25 triệu USD.
Như vậy, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2012 đạt 1,546 tỷ USD, bằng 61,11% so với năm 2011. Vốn thực hiện của đầu tư ra nước ngoài trong năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.
Tính đến 31/12/2012 đã có 719 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư 29,23 tỷ USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam đạt 12,87 tỷ USD.
Vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 3,8 tỷ USD; trong đó khoảng 2,9 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí; gần 500 triệu USD trong lĩnh vực trồng cây cao su, khoảng 400 triệu USD trong lĩnh vực thủy điện; viễn thông 249 triệu USD…Tính riêng vốn đầu tư thực hiện tại Lào đạt khoảng 691 triệu USD; Campuchia đạt trên 621 triệu USD.
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển về nước khoảng 430 triệu USD, bằng 11,3% tổng vốn đầu tư đã thực hiện. Có thể điểm ra đây một số doanh nghiệp gặt hái kết quả tốt năm 2012 như Viettel với tổng doanh thu trên 734 triệu USD; FPT đạt trên 90 triệu USD; Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã chuyển về nước trên 360 triệu USD.
Làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước đang gia tăng mạnh mẽ, bước đầu khai thác tốt thị trường và lợi thế cạnh tranh từ bên ngoài để mang ngoại tệ về cho đất nước. Thời gian qua Chính phủ đã có những hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên Cục cũng nhận định: "Việc đầu tư ra nước ngoài gia tăng trong thời gian gần đây, trong khi nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực để đầu tư là chưa hợp lý. Do vậy, cần phải có giải pháp cân đối lại để bảo đảm cân đối vĩ mô của nền kinh tế được ổn định."
(Theo Thời báo NH)