Có thể khởi kiện nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công
Trước thông tin nhà thầu rút máy móc, công nhân về nước, nguồn tin nói: "Nhà thầu mới dừng thi công chứ chưa rút. Cái gì của họ thì họ giữ, còn thiết bị tạm nhập tái xuất phải qua mình".
Theo nguồn tin, vào tuần trước, phía Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh có mời nhà thầu Trung Quốc họp để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, nhà thầu tiếp tục đưa ra lý do bất hợp lý, gây áp lực đối với chủ đầu tư về vấn đề bất khả kháng.
Trong văn bản gửi chủ đầu tư, liên doanh nhà thầu Trung Quốc cho rằng: Đại sứ quán Trung Quốc đưa cảnh báo với người lao động ở Việt Nam cần cẩn trọng khi lao động tại Việt Nam; Các nhà cung cấp thiết bị ở Trung Quốc không còn muốn cung cấp sản phẩm, thiết bị sang Việt Nam; Người lao động Trung Quốc không thể ra ngoài công trường để thực hiện các giao dịch về nước; hầu hết các công ty giao dịch ở Trung Quốc tại Việt Nam buộc phải ngừng kinh doanh vì vậy gây khó khăn cho việc cung cấp và tiếp nhận các bộ phận thay thế, phụ tùng cho máy TBM tại công trường.
Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ để nhà thầu chây ì, đòi thêm tiền. Tổng số tiền mà nhà thầu đòi thêm của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh lên tới 800 tỉ đồng.
Nguồn tin từ phía chủ đầu tư cho biết, hội đồng quản trị và ban điều hành dự án đang họp bàn giải pháp. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ thu hồi tạm ứng hợp đồng đồng thời khẩn trương tìm kiếm nhà thầu khác thay thế.
Đề cập đến khả năng khởi kiện nhà thầu Trung Quốc, nguồn tin nói rằng: "Nhà thầu rõ ràng đã vi phạm hợp đồng khi chậm tiến độ. Chắc chắn Công ty sẽ sử dụng luật pháp và tòa án để làm việc với họ. Các luật sư đang chuẩn bị để làm việc này".
Ngày 12/8, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện tại tỉnh Kon Tum. Trước sự việc tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum, Bộ trưởng gợi ý xem xét khả năng thay thế nhà thầu Trung Quốc.
Công trình thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công xây dựng từ tháng 9/2009, với tổng công suất 220MW, tổng vốn đầu tư 5.744 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào quý 3 năm 2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014.
Tháng 10/2010, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã ký hợp đồng Gói thầu (TKT-4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum, với Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.
Nhà thầu Trung Quốc đã trúng gói thầu trên với giá 1.614 tỉ đồng, rẻ hơn một nửa so với giá nhà thầu khác đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu bắt chủ đầu tư bổ sung kinh phí, nếu bổ sung không được thì lấy cớ để ngừng thi công, kéo dài thời gian thi công.
Nguồn Đất Việt