Có thể giảm chu kỳ tính giá xăng xuống 15 ngày
Vấn đề tính giá bình quân 30 ngày được quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi điểm này theo hướng điều chỉnh thành 10 ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, hai cơ quan quản lý ở thị trường xăng dầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên nghị định vẫn chưa được sửa đổi
Tại cuộc tọa đàm về "Minh bạch hóa thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường" chiều ngày 20/12, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, do tính 30 ngày có lẽ hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới nên cần phải xem xét lại vấn đề này để kiến nghị các cơ quan chức năng. Xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, rất nhiều phương án đặt ra, và phương án tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới.
"Đây cũng là một cơ sở nhưng chúng tôi thấy chu kỳ 10 ngày thì hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng để báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày", ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú bổ sung thêm, đối với xăng dầu, khi tính thời gian càng dài bao nhiêu thì càng điều hành theo định hướng, xu thế mà không điều hành theo thang giá nhất thời từng ngày. Và ngược lại tính càng ngắn thì tính nhất thời càng thể hiện rõ.
Theo Thứ trưởng, chúng ta yêu cầu dự trữ 30 ngày nhưng không thể điều hành giá theo 10 ngày được. Vậy chúng ta chỉ có hai cách, giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại.
Về nhận định cho rằng giá xăng lên nhanh, xuống chậm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo khẳng định, trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng “chạy” cả thì rõ ràng ảnh hưởng đến giá cuối cùng.
"Nhưng nếu nhìn cả chu trình dài thì có vẻ không minh bạch. Tôi nhấn mạnh đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, cả 3 đều không thực hiện được điều khoản về thuế, các điều khoản khác rất tốt. Những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế", ông nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng phải thực hiện đúng quy định, là phải ổn định thuế. Mục tiêu thứ nhất của thuế là nguồn thu ngân sách chính, mục tiêu tiếp theo mới là giá, còn quy định 30 ngày, 20 hay 10 chỉ đặt ra là 30 ngày thì giá ổn định cao hơn, nhưng với doanh nghiệp thì không quan trọng.
Theo ông, quy định 10, 20, 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu của chúng ta chứ không phụ thuộc vào việc giá thế giới tăng nhanh hay chậm. Nếu ta không đánh giá kỹ điều này thì có sửa đổi Nghị định cũng không quy định được, và sẽ lại tăng nhanh, giảm chậm.
Nguồn Khampha