thanhnien.vn
Cơ sở hạ tầng: Nền tảng để phát triển
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh dấu cột mốc 50 năm phát triển với việc các nền kinh tế lớn trong khu vực cam kết tăng gấp đôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đạt mức 700 tỉ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy thương mại, du lịch và phát triển hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong vài thập niên tới.
Nhu cầu nóng về hạ tầng
Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực này đang đứng hàng đầu thế giới, nhưng đi kèm với yêu cầu của phát triển là sự thiếu hụt và yếu kém của cơ sở hạ tầng. Những lĩnh vực hạ tầng được chú trọng là hệ thống giao thông, năng lượng và những dự án có thể giúp kết nối các quốc gia trong khu vực và kết nối khu vực với các thị trường toàn cầu. Ngoài ra, nhiều nước nhận ra rằng, nếu muốn cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút đầu tư thì những lợi thế như giá lao động rẻ cũng sẽ là không đủ. Họ cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng đủ chất lượng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy tại đất nước mình.
Đối với 10 nền kinh tế thành viên ASEAN, các sáng kiến phát triển giao thông vận tải được tập trung đầu tư ngân sách đến năm 2020. Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đầu tư này là hết sức quan trọng do vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong dài hạn. Việc nhấn mạnh vào sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế nhằm tạo điều kiện cho thương mại, đầu tư cũng như dòng chảy lưu thông hàng hóa và nhân lực giữa các nước ASEAN cần được đề cao.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước và quốc tế tối đa hóa các cơ hội sẵn có trong khu vực, vốn là một trong những khu vực có số dân đông, có tốc độ tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới. ASEAN giờ là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và đang trên đà phát triển đạt vị trí 3 nền kinh tế dẫn đầu trước năm 2030. Cải thiện kết nối giao thông trong chuỗi cung ứng ASEAN sẽ cắt giảm chi phí nhập khẩu một cách đáng kể do theo ước tính của World Bank, 70% thương mại thế giới dưới dạng dịch vụ hàng hóa phục vụ sản xuất và nguyên liệu thiết bị sản xuất. Đồng thời cũng mang lại lợi ích to lớn khi sản lượng thương mại ASEAN được dự báo tăng gần gấp đôi đạt mức 2.800 tỉ USD từ năm 2014 đến năm 2025 nhờ vào sức tiêu thụ từ 57 triệu người thuộc các hộ gia đình tầng lớp trung lưu mới ước tính được hình thành trong thập niên tới.
Indonesia là quốc gia có nhiều cơ hội trực tiếp nhất khi nước này có kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở mức 350 tỉ USD từ năm 2016-2020, bằng khoảng một nửa tổng số tiền đầu tư ước tính tại 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Nền kinh tế lớn nhất khu vực này có mức đầu tư vào hạ tầng giao thông thấp nhất chiếm 6% GDP, tại Philippines là 13%, 19% tại Thái Lan và Malaysia, 31% tại Singapore.
Thái Lan là thị trường lớn thứ 2 với kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở mức 120 tỉ USD, bao gồm 56 dự án lớn trị giá 70 tỉ USD. Nhu cầu cải thiện hệ thống giao thông tại Thái Lan bắt nguồn phần lớn từ thực tế lĩnh vực sản xuất chiếm tỉ trọng 84% GDP Thái Lan và hầu hết tất cả hàng hóa sản xuất (96%) đều được vận chuyển bằng đường bộ.
56 dự án trị giá 70 tỉ USD cùng với kế hoạch phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông trị giá 44 tỉ USD của Thái Lan đã mở ra một thị trường lớn cho tài trợ khu vực tư nhân với khoảng 1/4 nhu cầu chi tiêu cần thiết được đáp ứng từ nguồn vốn của mô hình hợp tác công tư.
Philippines, ở vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập của tổ chức, cũng đề ra những kế hoạch mang tính cột mốc nhằm đẩy mạnh sức cạnh tranh trong những thập niên tới với các chương trình thể hiện tham vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 144 tỉ USD giai đoạn 2017-2022. Khoảng 90% các dự án trong kế hoạch liên quan đến hệ thống giao thông vận tải và “Kế hoạch Ước mơ” của chính phủ nhằm phát triển các dự án đường sắt và đường bộ trong ngắn hạn giai đoạn 2018-2020 trị giá 41 tỉ USD.
Những động thái trong cải cách hệ thống thuế của Philippines, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và giảm hạn chế trong sở hữu nước ngoài đối với các công ty và các dự án mở ra nhiều cánh cửa cho đầu tư khu vực tư nhân và các công ty Trung Quốc vốn đã bắt đầu có các cam kết đối với những dự án cơ sở hạ tầng tại đây.
Cơ hội phát triển hạ tầng giao thông đối với Malaysia là nhằm thúc đẩy kết nối trong nước và với khu vực, cải thiện hiệu quả nền kinh tế, tạo một hệ thống giao thông hợp nhất và nâng tầm năng lực hậu cần để đẩy mạnh vị trí quốc gia như một trung tâm thương mại quốc tế của khu vực. Chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch là 85 tỉ USD, tăng từ mức chi tiêu 50 tỉ USD trong giai đoạn 2011-2015.
Đầu tư vào hạ tầng đường sắt là điểm chính trong kế hoạch chi tiêu cho hạ tầng giao thông với hệ thống đường sắt cao tốc kết nối với Singapore và Bangkok, giúp nâng cao năng lực vận chuyển số lượng lớn và phát triển mạng lưới hạ tầng bờ Đông. Hệ thống giao thông vận tải tại Singapore dường như đã là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Và hệ thống này tiếp tục nhận được nhiều hoạt động đầu tư thông qua kế hoạch của Chính phủ trong việc tăng gấp đôi hệ thống tàu điện ngầm của quốc đảo này đến năm 2030. Bổ sung thêm 113km vào mạng lưới tàu điện ngầm thông qua 3 tuyến mới sẽ cần 60 tỉ USD đầu tư mới từ năm 2016-2020, so với 50 tỉ USD chi tiêu trong giai đoạn 2011-2015.
Bài toán cho Việt Nam
Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh ước tính tăng gấp đôi đạt 33 triệu người đến thời điểm 2020 từ 16 triệu người vào năm 2014. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt mức 35% vào năm 2016 và ước tính đạt 40% năm 2020. Sức tiêu thụ khổng lồ của đối tượng quan trọng này là yếu tố chính dẫn đến nhu cầu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư và kết nối kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Thương mại song phương giữa ASEAN và Việt Nam tăng 120% từ 19 tỉ USD năm 2006 đạt 41,3 tỉ USD vào năm ngoái. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho đầu tư cũng như phát triển hệ sinh thái hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện là một trong những trọng tâm của Việt Nam nhằm tăng cường tính cạnh tranh của đất nước vốn nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Cải thiện cơ sở hạ tầng có thể giúp giảm chi phí sản xuất từ đó thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Lợi ích từ việc này là hết sức to lớn khi Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất của khu vực với ngành sản xuất phát triển mạnh mẽ so với các thị trường láng giềng, giá nhân công cạnh tranh và vị thế địa lý chiến lược.
Việt Nam đang có nhiều dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm các tuyến đường cao tốc, hệ thống tàu điện và trạm năng lượng, mở ra nhiều cơ hội lớn cho thị trường cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư từ khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Theo thống kê từ Chính phủ, Việt Nam cần khoảng 48 tỉ USD đến năm 2020 để phát triển hạ tầng giao thông. Để đáp ứng nhu cầu này, trước sức ép tài khóa, Việt Nam khuyến khích mô hình hợp tác công tư kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân. Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tất cả các hoạt động này cho thấy các nền kinh tế khu vực ASEAN đang có nhiều động thái nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và phát triển trong những thập niên tới. Hay nói một cách khác, kỷ niệm vàng của khu vực ASEAN đang tạo khởi đầu thuận lợi cho giai đoạn vàng tăng trưởng thương mại và đầu tư với phát triển cơ sở hạ tầng là trọng tâm.
Phạm Hồng Hải
(*) Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam