Đối với vận tải lạnh, các doanh nghiệp nội lại chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: Quý hoà.
Co ro chuỗi lạnh
Trong bài toán về tỉ lệ hao hụt thực phẩm được Công ty Cổ phần Giải pháp Thương mại ABA (ABA Cooltrans) thực hiện với một hệ thống siêu thị hàng đầu khu vực phía Nam, các bên tính được rằng, nếu dùng xe khô chở rau, củ đi tiêu thụ, tỉ lệ thất thoát sản phẩm là 20-30%. Trái lại, nếu bảo quản lạnh, tỉ lệ này về dưới 7%.
Con số hao hụt trên lớn hơn nhiều so với việc trả thêm tiền cho bảo quản lạnh. Tính trung bình, chi phí lưu trữ 1 kg hàng trong kho lạnh tốn 20 đồng/ngày, tương đương 600 đồng/tháng. Trái thanh long sau thu hoạch ngày hôm nay bán giá 10.000-15.000 đồng/kg, nhưng chờ 2-3 tháng, có thể bán được 20.000-30.000 đồng/kg khi đã qua vụ. Tuổi thọ nông sản kéo dài nếu bảo quản đúng nhiệt độ, theo đánh giá của ông Lương Quang Thi, Chủ tịch Điều hành ABA Cooltrans, một trong những người đầu tiên xây chuỗi lạnh khép kín tại Việt Nam.
Lãng phí tỉ USD
Một khảo sát do CEL, hãng công nghệ và tư vấn chuyên về vận hành chuỗi cung ứng, thực hiện ở các vùng nông nghiệp trọng điểm Việt Nam vào quý I/2018 chỉ ra, có khoảng 1/4 lượng thực phẩm được sản xuất ra bị tổn thất trước khi tới nhà máy chế biến hoặc siêu thị phân phối. Ước tính, với tỉ lệ trên, có 8,8 triệu tấn thực phẩm hao hụt, quy ra tiền là 3,9 tỉ USD.
Nguyên nhân khiến lượng lớn thực phẩm bị hao hụt đến từ xử lý sau thu hoạch, quá trình lưu kho và vận chuyển. Chỉ có 14% nông hộ trong khảo sát của CEL cho biết, họ sử dụng chuỗi lạnh trong bảo quản sản phẩm, chế biến và vận chuyển. Đây là tác nhân lớn dẫn tới hao hụt dù chưa có thống kê cụ thể.
Chuỗi cung ứng lạnh là quá trình bảo quản sản phẩm tại mức nhiệt độ thấp từ sản xuất đến tiêu thụ. Kho vận lạnh liên quan đến sử dụng kho bảo quản lạnh và các phương tiện vận tải cách nhiệt để phân phối hàng hóa.
Dẫu vậy, chuỗi đang bị coi là chi phí phụ thêm thay vì khoản đầu tư quan trọng, nhằm duy trì giá trị sản phẩm. Trong khi các quốc gia công nghiệp hóa bị mất khoảng 9% thực phẩm do thiếu hệ thống làm lạnh, các quốc gia đang phát triển đối mặt với mức thất thoát lên đến 23%. Một chuỗi lạnh đáng tin cậy có khả năng phòng ngừa khoảng 50% thực phẩm bị hư hỏng, theo Tiến sĩ Trương Quang Dũng, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam.
Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng chuỗi lạnh không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn hạn chế lợi thế cạnh tranh quốc gia trong xuất khẩu nông sản. “Nếu không xem xét lại chuỗi cung ứng lạnh như khoản đầu tư chiến lược thay vì là chi phí, Việt Nam có nguy cơ tiếp tục lãng phí ở mức cao, suy giảm lợi nhuận kinh tế ngành nông nghiệp”, ông Dũng nói.
Theo một báo cáo nội bộ ngành, năm 2024 tổng giá trị ước tính chuỗi cung ứng lạnh từ nông trại/nhập khẩu tới điểm bán trong nước là 902 triệu USD (trong đó, vận tải chiếm 567 triệu USD, kho chứa là 335 triệu USD). Con số này được dự đoán đạt xấp xỉ 2,2 tỉ USD vào năm 2030. “So sánh với các quốc gia phát triển, chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam còn khoảng cách rất xa”, Giáo sư Arne Heinold của Đại học Kühne Logistics (KLU), thành viên thuộc The Kühne Foundation, tổ chức sở hữu hệ sinh thái logistics hàng đầu thế giới, nói với NCĐT và đưa ra con số, giá trị chuỗi cung ứng lạnh tại Đức đạt 17 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm 8,5%. Thị trường chuỗi lạnh tại quốc gia này được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng của ngành dược.
Chênh lệch giữa giá trị ngành tại Việt Nam và các nước cũng chính là dư địa phát triển lớn trong tương lai. KLU thấy rõ tiềm năng ngành nên dự kiến đưa logistics lạnh vào chương trình liên kết giảng dạy tại Việt Nam trong thời gian tới. Tối ưu hóa chi phí chuỗi lạnh nội địa là cần thiết. Giá giảm thúc đẩy nhà sản xuất, người nông dân sử dụng dịch vụ kho vận lạnh nhiều hơn. Quá trình tối ưu chi phí nên được doanh nghiệp thực hiện ở từng mắt xích của chuỗi để duy trì chất lượng dịch vụ, theo Giáo sư Arne Heinold.
Nhìn chung, chuỗi lạnh Việt Nam được đánh giá tiềm năng do là thị trường mới. Tốc độ tăng trưởng thường đi theo xu hướng trái ngược với các thị trường đã phát triển. Tầng lớp trung lưu ngày càng đông cùng thu nhập khả dụng tốt, dẫn đến nhu cầu mua thực phẩm tươi ngon, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... gia tăng. Chuỗi cung ứng lạnh buộc phải phát triển theo.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dự báo ngành công nghiệp non trẻ này có thể thay đổi trong vài năm tới, trở thành lĩnh vực chủ chốt. Các nhà đầu tư đang tìm cơ hội để bước chân vào phân khúc ngách này thông qua dự án đầu tư mới hay mua bán - sáp nhập. Bởi lẽ, tham gia thị trường ở giai đoạn đầu trước khi loại tài sản này trở nên phổ biến sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Một hệ sinh thái logistics lạnh hoàn chỉnh
Hiện tại, các doanh nghiệp trong chuỗi lạnh cạnh tranh dựa trên mạng lưới kho bãi, dải nhiệt độ bảo quản, số lượng pallet chứa hàng, đội xe chuyên dụng. Đối với kho lạnh nội địa, sức chứa tổng đang là gần 1,4 triệu pallet. Thị trường kho lạnh ở phía Nam phát triển hơn các vùng khác do có ngành nông, thủy sản mạnh. Tiềm lực tài chính tốt giúp doanh nghiệp ngoại có lợi thế nhỉnh hơn so với đối thủ nội về đầu tư kho. Dẫu vậy, cục diện mảng kho lạnh đang dần cân bằng với sự xuất hiện của các tay chơi trong nước.
Mới đây, Công ty Cổ phần Transimex hoàn tất khoản đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào kho lạnh 56.000 pallet tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Trước đó, trong giai đoạn 1, Công ty Cổ phần Kho lạnh Kỷ Nguyên Mới (NECS) khánh thành kho lạnh 30.000 pallet tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh cũng tại huyện Bến Lức. Dự kiến, sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 và 3, NECS có tổng sức chứa 145.000 pallet.
Đối với vận tải lạnh, các doanh nghiệp nội lại chiếm lĩnh thị trường. Quá trình vận hành, điều phối xe trong nước phức tạp, khiến doanh nghiệp ngoại ít mặn mà rót vốn. Chính sự khác biệt trong mục đích và khả năng đầu tư giữa các bên khiến chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam bị phân mảnh, dễ gãy mắt xích bảo quản nếu không kiểm soát nhiệt tốt ở từng chặng hành trình của sản phẩm.
Mặt khác, theo Tiến sĩ Trương Quang Dũng, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào một chuỗi lạnh tích hợp hoàn chỉnh tại Việt Nam phải đối mặt với cơ sở hạ tầng không đầy đủ. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chính thiếu kho lạnh đủ điều kiện và thiếu mạng lưới đường bộ đáng tin cậy. Sự thiếu kết nối cản trở việc vận chuyển hàng hóa từ nông trại đến thị trường tiêu thụ trong điều kiện kiểm soát nhiệt.
Một rào cản khác là sự thiếu hụt lao động có kỹ năng quản lý chuỗi lạnh. Nhân sự thiếu đào tạo chuyên sâu về logistics kiểm soát nhiệt độ, ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng duy trì tiêu chuẩn chất lượng ngành. Ngoài ra, chi phí vận hành ở Việt Nam cao, nhu cầu năng lượng làm lạnh đắt đỏ khiến cho các doanh nghiệp khó có thể mạnh tay cho những khoản đầu tư như vậy.
Để giải quyết các vấn đề liên quan, Việt Nam nên có khung chính sách chuỗi lạnh thống nhất, đưa ra những ưu đãi có mục tiêu, chẳng hạn như giảm thuế hoặc trợ cấp cho các công nghệ lưu trữ lạnh tiết kiệm năng lượng, làm khoản đầu tư trở nên khả thi hơn. Chính phủ hỗ trợ chương trình đào tạo logistics kiểm soát nhiệt độ có thể giúp phát triển nhân sự tay nghề cao, thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Trong chuỗi, bên cạnh các kho lạnh độc lập đóng vai trò là mắt xích quan trọng, vận tải là khâu cần được quan tâm khi đây là giai đoạn mà nhiệt độ thực phẩm có thể bị ảnh hưởng lớn. Do đó, đầu tư vào một hệ sinh thái logistics lạnh hoàn chỉnh sẽ bao gồm xe tải lạnh chuyên dụng có hệ thống làm mát dự phòng, giám sát nhiệt độ và vị trí theo thời gian thực, đi cùng với đó là mạng lưới các kho lạnh được bố trí dọc các hành lang giao thông chính.
“Hệ sinh thái này cho phép hành trình di chuyển của thực phẩm có kiểm soát nhiệt độ liền mạch, bất chấp những điểm yếu về cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn giao thông ở Việt Nam”, Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, phân tích.
Có thể bạn quan tâm