Sơn Phạm
Cổ phiếu vua trở lại đỉnh
Điểm sáng đầu năm 2018 là cổ phiếu HDB của HDBank được niêm yết trên HoSE. Cổ phiếu này đã tăng trần liên tục kể từ sau phiên giao dịch đầu tiên, lên đến 47.000 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 26.1. Không chỉ HDBank, danh sách các ngân hàng thương mại tư nhân tăng giá mạnh còn có VPBank khi đã phá kỷ lục lên mức 52.000 đồng/cổ phiếu, hay ACB vượt mốc 42.000 đồng/cổ phiếu.
Điểm chung của cả 3 ngân hàng này là có hoạt động liên quan đến mua bán cổ phiếu của nhóm cổ đông nước ngoài. Tương tự như VPBank, HDBank cũng lên sàn sau khi huy động được thêm 300 triệu USD từ nhóm cổ đông ngoại. Trong khi đó, ACB cũng liên quan đến thương vụ thoái vốn của cổ đông chiến lược là Standard Chartered. Giá cổ phiếu ACB đã tăng hơn 20% sau 1 tháng và gần 77% sau 1 năm.
Dù vậy, bảng tổng sắp cổ phiếu ngân hàng đỉnh cao lại gọi tên Vietcombank, với mức giá 69.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 34% so với tháng trước và gần 79% sau 1 năm. Đáng chú ý, các ngân hàng có mức giá thay đổi không nhiều là Ngân hàng Quân Đội, VietinBank và BIDV vốn không có thông tin quá nổi bật trong năm qua, nay cũng đã bật lên trên mốc 30.000 đồng/cổ phiếu.
Ở phía dưới bảng xếp hạng cũng có sự đổi thay đáng chú ý với Sacombank và Eximbank sau một thời gian dài cổ phiếu chỉ nằm ở mức 12.000 đồng, nay đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp, hiện đều giao dịch quanh mốc 15.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin từ Sacombank cho biết ngân hàng này đã xử lý hơn 19.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm qua, còn với Eximbank, lợi nhuận đã chạm mốc ngàn tỉ đồng.
Những cổ phiếu tăng giá cao đều có một điểm chung là hoạt động mua bán cổ phiếu nhộn nhịp. Eximbank thì đang dần thoái vốn khỏi Sacombank. Ngay cả Vietcombank, ngoài kết quả hoạt động lợi nhuận tốt, cũng ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ việc thoái vốn khỏi các ngân hàng khác như OCB và VietBank. Ở sân chơi UPCoM, các cổ phiếu mới chào sàn cũng thể hiện phong độ khá tốt. Chẳng hạn, cổ phiếu LVB của LienVietPostBank đạt 17.200 đồng, tăng gần 33% sau 1 tháng, trong khi cổ phiếu VIB đạt 30.700 đồng, tăng gần 34% sau 1 tháng. Chỉ trừ cổ phiếu Kienlong Bank vẫn giao dịch quanh mệnh giá.
Thực tế, từ cuối năm 2017, cổ phiếu ngân hàng bắt đầu vươn lên, vượt trội so với quý trước và hoàn toàn khác biệt so với thời điểm 1 năm. Khi đó, nhiều ngân hàng vẫn còn ở vùng giá 1x, các ngân hàng giao dịch trên sàn không chính thức OTC còn loanh quanh dưới mệnh giá.
Thị trường chấp nhận mức giá cổ phiếu ngân hàng cao hơn có lẽ cũng xuất phát từ sự hưng phấn chung của các nhà đầu tư, với chỉ số VN-Index hiện đã lên 1.115 điểm, là vùng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, một phần cũng vì kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng đã tốt hơn nhiều.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá mạnh vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 vì đây cũng là thời điểm các ngân hàng công bố lợi nhuận năm 2017. Chưa có báo cáo tài chính, nhưng thông tin ban đầu từ các ngân hàng cho thấy lợi nhuận đều lên mức kỷ lục. Vietcombank đạt hơn 11.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng gần 33%), VPBank đạt 8.126 tỉ đồng (tăng 65%), HDBank dự kiến đạt 2.420 tỉ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Diễn biến cũng tương tự ở các ngân hàng khác.
“Nhìn chung, 2017 là năm thành công của nhóm ngân hàng”, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI, nhận định. Theo ông Minh, đi kèm với mức tăng trưởng tín dụng 17% trong năm ngoái, lợi nhuận hoạt động cốt lõi của các ngân hàng đã cải thiện đáng kể và nhiều ngân hàng bán lẻ có mức tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu đã cải thiện nhiều khi các ngân hàng “giải quyết” được 70.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm qua. “Nhờ những yếu tố này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dần được thị trường định giá lại và vẫn còn rẻ so với mặt bằng chung của thị trường”, ông Minh cho biết.
Trong năm vừa qua, một điểm nhấn trong hệ thống ngân hàng là chính sách xử lý nợ xấu. Theo đó, Nghị quyết 42 và Luật Ngân hàng sửa đổi đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC xử lý nợ xấu thông qua cơ chế thị trường. Bản thân các ngân hàng trong thời gian qua cũng đã tăng cường bán tài sản để thu hồi nợ, qua đó có thể giúp họ làm đẹp sổ sách hơn.
Việc xử lý nợ xấu cũng sẽ là yếu tố quyết định tương lai cho các ngân hàng trong năm nay. “Trong trung hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là cổ phiếu của năm 2018 và dẫn dắt đà tăng chính của thị trường, khi Việt Nam vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng 17%, với tiến trình xử lý nợ xấu nhanh, hoàn nhập dự phòng và nâng cấp hệ thống lên Basel II”, ông Minh nhận định.
Trong khi đó, bảng tổng sắp cổ phiếu dự định sẽ có thêm những gương mặt mới khi nhiều ngân hàng tiếp tục kế hoạch lên sàn trong năm nay. Ở nhóm ngân hàng tư nhân, điển hình là Techcombank với lợi nhuận báo cáo trong năm 2017 dự kiến sẽ ở mức vượt trội. Trước đó, báo cáo tài chính quý III/2017 cho thấy lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ghi nhận 4.840 tỉ đồng, tăng gần 69% so với cùng kỳ. Thị trường cũng sẽ thêm sôi động khi các thương vụ M&A trong nhóm cổ phiếu “vua” sẽ nhiều hơn dưới áp lực tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn tối thiểu.