Cổ phiếu vốn hóa lớn sụt giảm, dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường?
Từ sau phiên phân phối đỉnh ngày 9/9/2014 khi thanh khoản trên cả 2 sàn đạt gần 7.000 tỷ đồng, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index cùng giảm điểm mạnh và bắt đầu cho xu hướng giảm của thị trường. Trong khoảng thời gian này, có thể thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gồm các mã tiêu biểu như GAS, VNM, MSN, VIC bắt đầu chuỗi phiên giảm giá liên tiếp.
Dù lý do giảm của mỗi mã khác nhau như VIC chịu áp lực chốt lời của các trái chủ trái phiếu quốc tế chuyển đổi thành cổ phiếu, MSN ở mức đáy 3 năm do tác động của mỏ Núi Pháo, VNM không có động lực tăng do dự kiến lợi nhuận năm 2014 có khả năng giảm do tập trung tăng chi phí tiếp thị và bán hàng để giữ cũng như mở rộng được thị trường. Không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng của “tứ trụ” này đến chỉ số VN-Index khi cả 4 mã đều vào xu hướng giảm giá, khiến thị trường nhìn chung không có điểm tựa để tăng điểm.
Cùng với mức giảm của các trụ đỡ của thị trường là động thái bán ròng của khối ngoại tập trung vào các mã vốn hóa lớn. Từ đầu tháng 9 đến ngày 19/11/2014, khối này đã bán ròng hơn 1.665 tỷ đồng cổ phiếu VIC, 554,2 tỷ đồng cổ phiếu GAS, hơn 4,5 tỷ đồng VNM, hơn 180 tỷ đồng KDC, 206,6 tỷ đồng MSN.
Xu hướng bán ròng của khối ngoại còn thể hiện rõ nét qua mức độ bán của khối này từ đầu tháng 9 đến nay. Tính đến ngày 19/11/2014, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.441 tỷ đồng trên sàn HSX và hơn 426 tỷ đồng trên sàn HNX.
Diễn biến giao dịch khối ngoại, chỉ số VN-Index, HNX-Index, LargeCap từ đầu năm đến nay |
Mức độ rủi ro của thị trường còn gia tăng khi dòng tiền dịch chuyển vào các mã cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như FLC, KLF, VHG, FIT…hoặc các mã vốn hóa nhỏ hơn như SHN, VOS, PVX… Dòng tiền tại các mã đầu cơ thường không kéo dài lâu, một khi dòng vốn này bị rút ra thị trường cộng với sự sụt giảm của các mã vốn hóa lớn cơ bản, thị trường sẽ trở nên vô cùng rủi ro.
Khi thị trường đã vào xu hướng giảm thì bất cứ thông tin kém khả quan nào cũng có khả năng tác động xấu đến thị trường, khiến thị trường biến động mạnh hơn dù tác động thực tế của thông tin đó không thật sự đáng kể. Gần đây thông tin chưa chính thức về khả năng điều chỉnh giảm hoạt động đầu tư chứng khoán từ phía các ngân hàng cũng như những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động này đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chung trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo phân tích của BSC, thông tư 13 sửa đổi nếu trở thành hiện thực sẽ có tác động đến nguồn vốn cho vay margin của 2 nhóm đối tượng, một là các ngân hàng top dưới, có tỷ lệ nợ xấu cao và hai là các Công ty chứng khoán thuộc diện công ty con, công ty liên kết của các Ngân hàng thương mại. Mặc dù vậy, nếu tính theo con số tổng hạn mức được phép cho vay của cả hệ thống Ngân hàng thì những tác động sẽ không lớn và về bản chất, những quy định này sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Nguồn DVO