Cổ phiếu TMT: Cuộc lột xác vượt bậc
Trong vòng một tháng tới, Công ty Ôtô TMT sẽ phát hành cổ phiếu để thưởng cho ban điều hành. Lượng phát hành thêm chỉ chiếm khoảng 5% tổng cổ phiếu lưu hành nhưng theo thị giá, Ban Điều hành TMT ước nhận hơn 70 tỉ đồng. Trong danh sách thưởng cổ phiếu, ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc và con trai Bùi Quốc Hưng, Trợ lý Chủ tịch, sẽ nhận thưởng cao nhất, 500.000 cổ phiếu/người.
Thưởng cổ phiếu cho Ban Điều hành là cam kết đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông năm 2013. Theo đó, nếu sau 3 năm (tính từ 8.4.2013), Ban Điều hành đưa được giá cổ phiếu lên 50.000 đồng/cổ phiếu thì sẽ được xét trích thưởng cổ phiếu cho từng cá nhân.
Nhìn lại thời điểm năm 2012-2013, TMT là công ty đang chật vật cố gắng không lỗ, vì thế kế hoạch nâng giá cổ phiếu gấp 8 lần của TMT gặp phải nhiều bàn tán. Năm đầu tiên, sự hoài nghi vẫn tiếp tục khi giá cổ phiếu chỉ nhích lên đôi chút. Năm tiếp theo, sự hoài nghi giảm dần khi giá cổ phiếu tăng, đạt đến nửa chặng đường. Ông Bùi Văn Hữu thậm chí còn kêu gọi cán bộ công nhân viên mua vào cổ phiếu TMT vì tin giá cổ phiếu sẽ còn tăng mạnh. Từ tháng 3.2015 đến nay, ông Hữu là người mua vào nhiều nhất và đang là cổ đông đứng đầu ở TMT, nắm 32,4% cổ phần Công ty.
Tại Đại hội Cổ đông 2015, để an toàn, Ban Lãnh đạo đã xin gia hạn thời hạn của mục tiêu trên thêm một năm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10.2015, giá cổ phiếu TMT bất ngờ đạt mục tiêu mong đợi. Hội đồng Quản trị TMT liền sau đó bày tỏ ý định thực hiện thưởng cổ phiếu cho Ban Điều hành. Trong Biên bản Hội đồng Quản trị, toàn bộ số cổ phiếu phát hành thêm đợt này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Rõ ràng, Ban Điều hành được hưởng quyền lợi trước hạn và không bị ràng buộc về hiệu quả kinh doanh, diễn biến giá cổ phiếu sau đó.
Cổ phiếu TMT đã tăng ngoạn mục, từ chỗ không sao vượt được mệnh giá suốt những năm 2012 đến giữa năm 2014. Hiện tại, dù bị điều chỉnh giảm nhưng cổ phiếu TMT vẫn cao gấp 7-8 lần so với thời kỳ ảm đạm.
Trong kinh doanh, TMT tăng trưởng ấn tượng và hiện là 1 trong 3 công ty, cùng Trường Hải, Vinaxuki, dẫn đầu thị phần ôtô tải tại Việt Nam. Nếu như năm 2011-2013, TMT gặp khó trong tiêu thụ xe tải, trầy trật kiếm vài tỉ đồng lợi nhuận thì năm 2014, lợi nhuận của TMT cao gấp hàng chục lần, đạt mức kỷ lục kể từ khi thành lập Công ty. Tổng kết 9 tháng đầu năm nay, TMT cho biết doanh thu tăng 3 lần và lợi nhuận tăng 4 lần so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 9.2015, TMT đã cán đích kế hoạch lợi nhuận năm.
TMT không phải là đơn vị duy nhất trong ngành ôtô đạt đột biến về kinh doanh. |
Hội đồng Quản trị vừa điều chỉnh tăng nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận lên 200 tỉ đồng nhưng đồng thời cũng hạ chỉ tiêu doanh thu. Đây không phải là lần đầu tiên TMT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Năm ngoái, trong khi các công ty ôtô khác mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh gấp 2-3 lần thì Ban Lãnh đạo TMT lại dè dặt. Sau đó, trước thực tế kinh doanh thuận lợi, Lãnh đạo TMT mới thay đổi chỉ tiêu lên gấp 3-4 lần so với chỉ tiêu ban đầu. Thực tế, lợi nhuận năm 2014 của TMT vẫn vượt xa chỉ tiêu điều chỉnh.
Những đột biến trong kinh doanh của TMT được Công ty Chứng khoán APEC nhìn nhận là nhờ lực cầu lớn của thị trường, sự phục hồi của nền kinh tế, hơn là dựa vào sự cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty.
Nhờ vào các yếu tố như chính sách siết tải trọng, giảm dần thuế nhập khẩu ôtô về 0% vào năm 2018 cùng với hạ tầng phát triển..., 2 năm qua, ngành ôtô tăng trưởng nóng, với mức tiêu thụ tăng 43% vào năm 2014 và dự kiến tăng 37% năm nay. Trước tình hình đó, không riêng TMT mà hầu hết các công ty kinh doanh lĩnh vực lắp ráp, sản xuất, phân phối ôtô đều hưởng lợi. Đáng chú ý, cũng là lắp ráp ôtô nội địa nhưng trong khi TMT tiêu thụ chưa tới 3.000 chiếc thì Trường Hải tiêu thụ gấp 14 lần. Năm nay, mục tiêu bán xe Cửu Long của TMT tăng 2,5 lần nhưng tính ra chỉ bằng 20% công suất sản xuất tối đa của nhà máy.
TMT cũng không phải là đơn vị duy nhất trong ngành ôtô đạt đột biến về kinh doanh. Hoàng Huy, Trường Long, Trường Hải... đều ghi nhận kết quả kinh doanh vượt bậc trong lịch sử hoạt động. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu hợp nhất của Trường Hải là 18.800 tỉ đồng, tăng 88% cùng kỳ, lãi sau thuế hơn 3.200 tỉ đồng, gần bằng với năm cả 2014. Xét cả về hiệu quả, các công ty trên cũng có phần nổi trội hơn. Chẳng hạn, biên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2015 của Hoàng Huy trong khoảng 15% trong khi con số này ở TMT chỉ hơn 5%. Trường Hải, Vinaxuki, Sông Hồng, Ôtô Giải Phóng, Forcia, Hoa Mai, Chiến Thắng cùng các hãng ôtô của Trung Quốc (Dong Feng, Khâm Châu, Quế Hoa, Zibo) và Hàn Quốc (Hyundai, Samsung, Mitsubishi) lại đang liên tục tung nhiều chiêu thức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Thách thức cho TMT còn là hàng tồn kho đang chiếm 75% tổng tài sản, chi phí tài chính đang phình to hơn 5 lần.
Để mở rộng sản xuất khi triển khai hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tata (Ấn Độ), TMT dự kiến xin tỉnh Hưng Yên cấp thêm khu đất 20 ha tại khu cảng cạn liền kề nhà máy ôtô Cửu Long. Nhưng trước mắt, TMT mới chỉ nhập sản phẩm thương mại của Tata chứ chưa lắp ráp. Kỳ vọng của TMT còn đặt vào dự án dây chuyền sơn điện ly, phục vụ cho công ty và có thể làm dịch vụ cho các nhà sản xuất khác. Với khu đất 1.300 m2 tại Triều Khúc (Hà Nội), TMT dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng, lập liên doanh hoặc cổ phần để khai thác hiệu quả hơn. Các bước đi sắp tới của TMT vẫn còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tìm đối tác, huy động vốn.
Viết Nguyên