Cổ phiếu tăng nóng, nhà đầu tư nên thận trọng?
Thông tin Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm làm tan băng thị trường bất động sản (BĐS), xử lý nợ xấu đã khiến cổ phiếu (CP) các ngành này có đợt tăng giá khá mạnh từ cuối năm 2012 đến nay và nhiều người đã kỳ vọng năm 2013 sẽ là năm trở lại của các CP này. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích của Công ty chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam, hầu hết nhóm CP BĐS đang giao dịch với thị giá thấp hơn nhiều so giá trị sổ sách trong các năm gần đây.
BĐS cũng là loại "CP chu kỳ", có khuynh hướng dao động theo biến động của nền kinh tế và thường chỉ có chuyển biến tốt vài tháng trước khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Tương tự là nhóm CP ngân hàng (NH), diễn biến của ngành này sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả việc xử lý nợ xấu, và đây là tiến trình dài hạn chứ không thể xử lý trong vài tháng hoặc một năm. Do đó, đầu tư vào CP BĐS, CP NH trong năm 2013 chỉ thích hợp với các nhà đầu tư (NĐT) trung và dài hạn.
Đồng quan điểm trên, ông Tôn Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt, khuyên nên thận trọng đối với CP NH và BĐS trong năm 2013, do các vấn đề giải quyết nợ xấu. Mức độ nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, phần lớn nhất nợ xấu của NH liên quan đến BĐS, nên một khi nợ xấu chưa được giải quyết và nguồn vốn cho BĐS còn khó khăn thì chưa thể lạc quan về nhóm CP ngành này.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, lại cho rằng ngành BĐS và NH cũng có thể là cơ hội đầu tư tốt cho các NĐT chấp nhận mạo hiểm, hoặc người đã tham gia lâu vào thị trường chứng khoán. Bởi hiện giá giao dịch CP hai ngành này đã giảm nhiều và thấp hơn so với giá trị sổ sách. Trong khi đó, với những giải pháp mà Chính phủ sẽ đưa ra để kích thích tăng trưởng kinh tế nói chung thì CP hai ngành này sẽ có cơ hội bật lại nhanh hơn.
Cổ phiếu thực phẩm an toàn
Theo thống kê, CP ngành hàng tiêu dùng là nhóm duy nhất có mức tăng trưởng trong hai năm 2011 và 2012, với mức tăng lần lượt 28% và 29%, nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vững chắc của các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Masan, Kinh Đô... Ngành dầu khí hay cao su cũng có mức độ tăng trưởng khá và sẽ tiếp tục ưu thế này trong năm mới.
Ông Lê Đình Minh Phương phân tích: Nhóm ngành thực phẩm thức uống có tính phòng vệ cao và ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu, do đây là mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, CP ngành thực phẩm thức uống trong năm 2013 sẽ tiếp tục là cơ hội đầu tư hấp dẫn và ít rủi ro. Tuy nhiên, CP ngành này chỉ thích hợp cho các NĐT dài hạn, do biến động giá trong ngắn hạn rất nhỏ. Hiện trên sàn có khá nhiều CP có lợi suất cổ tức cao hơn lãi suất NH và có giá hấp dẫn với mức dưới 15.000 đồng/CP - mức mà khả năng giảm giá CP sâu rất khó.
Tương tự, theo ông Tôn Minh Phương, các ngành mang tính phòng thủ cao là sản xuất thực phẩm và năng lượng. Đặc biệt, sản xuất thực phẩm còn là ngành đang được hưởng lợi từ việc chi phí đầu vào giảm. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá cao CP cao su tự nhiên, do đặc thù mô hình kinh doanh giàu tiền mặt và hiện giá cao su tự nhiên đã chạm đáy nên sẽ sớm hồi phục cùng với chu kỳ của kinh tế trong và ngoài nước’, ông Tôn Minh Phương nói.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, NĐT phải có sự chọn lọc đối với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và CP đó có khả năng lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi khi đó CP mới có đủ hai yếu tố giá trị và dòng tiền để tạo nên động lực tăng giá.
Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cũng có quan điểm tương tự, khi nhận định không phải cứ ngành tiêu dùng an toàn là có thể đầu tư bất kể CP nào thuộc ngành này cũng có thể đạt lợi nhuận như mong muốn. NĐT phải có sự chọn lọc CP của những doanh nghiệp có nền tảng ổn định và không đầu tư đa ngành.
Cẩn trọng khi lướt sóng
Theo ông Lê Đình Minh Phương, đầu tư lướt sóng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin và tâm lý của NĐT. “Thị trường chứng khoán Việt Nam trong các năm gần đây phản ứng rất nhạy với các tin tức về chính sách vĩ mô của nhà nước. Trên thực tế, bản thân các NĐT nhỏ lẻ thường nhận được các tin tức này chậm hơn vài ngày so với các NĐT tổ chức hoặc đội lái, chưa kể đến mức độ xác thực của các tin đồn này cũng cách xa nhau. Cho nên đầu tư lướt sóng rất rủi ro, dù có thể suất lợi nhuận cũng khá cao. Đầu tư lướt sóng được hiểu nôm na như mọi người đang cùng tham gia trò chơi chuyền bom. Người nắm giữ cuối cùng khi thị trường đảo chiều sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất”, ông Phương nói.
Còn ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích: “NĐT lướt sóng hay dài hạn đều phụ thuộc vào thời điểm tham gia thị trường cũng như lựa chọn CP có đúng hay chưa? Nếu chọn sai CP thì dù NĐT mua vào và nắm giữ cả 1 năm cũng có thể bị thua lỗ. Việc đầu tư trong năm nay sẽ xoay quanh những trục chính gồm: nhóm CP BĐS, chứng khoán và NH, vì có thể với những thông tin tốt có liên quan hiện nay và giá đã giảm nhiều, CP những ngành này có thể tạo ra được sự đột biến về giá. Nhóm thứ hai là CP của những doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bởi nếu CP có nền tảng cơ bản tốt nhưng nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm thì thanh khoản yếu, khó có khả năng tăng giá mạnh”.