Cổ phiếu ngành nào sẽ "hot" trong 2016?
Cuối năm là thời điểm nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ đến những cổ phiếu hứa hẹn tăng trưởng trong năm sau và bắt đầu lên kế hoạch đầu tư phù hợp. Ông Vicente Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam nhận định, nếu chỉ xem xét tăng trưởng ngành trong ngắn hạn sẽ rất khó đưa ra đánh giá cổ phiếu chính xác.
Cùng chung quan điểm đó, các công ty chứng khoán đều có những lựa chọn riêng biệt. Trong khi Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) xác định dệt may, bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng, công nghệ là các ngành sẽ vượt trội năm 2016, Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam lại khuyến cao nhà đầu tư cân nhắc thêm các ngành logistics, xây dựng và thép. Ngành điện tử tiêu dùng, sữa, logistics và bất động sản cũng là 4 ngành được Công ty Chứng khoán VPBS đánh giá cao. Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) “bình chọn” 5 ngành logistics, xây dựng, công nghệ, tiện ích công cộng, bất động sản là đáng quan tâm hơn cả.
Sau khi tổng hợp các quan điểm có cơ sỡ vững chắc, cũng như nhìn vào thực trạng hoạt động doanh nghiệp, NCÐT dự báo sẽ có 5 nhóm cổ phiếu tạo được đòn bẩy tốt trong năm 2016.
Đất nóng
4 năm ảm đạm (2010-2014) qua đi đã dự báo cho một thị trường bất động sản phục hồi. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quá trình phục hồi này gắn với tăng trưởng GDP tốt, trong khi lãi suất ở mức thấp, giá trị đồng tiền ổn định và niềm tin người tiêu dùng cải thiện. Sự phục hồi của bất động sản còn được đặt trong bối cảnh sức khỏe các ngân hàng cải thiện hơn. Lượng hàng tồn kho bất động sản giảm đều và ổn định, khối lượng giao dịch tăng vọt cũng như sự phục hồi về giá diễn ra trong mọi phân khúc, từ cao cấp, trung cấp và nhà ở giá phải chăng.
Quy hoạch tổng thể tuyến đường và vành đai cao tốc TP.HCM - Nguồn: VCSC |
VCSC đánh giá, Việt Nam là trung tâm gia công sản xuất được ưa chuộng, cộng với những điều chỉnh chính sách như nới lỏng quy định sở hữu nhà ở cho người nước ngoài và các gói hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản gần đây sẽ tác động tích cực đến thị trường này, đặc biệt là tiềm năng từ phân khúc căn hộ trung bình. Ðây là phân khúc giá chỉ cao hơn mức đáy 10-15% như hiện nay và có thể tiếp tục tăng hơn 60% trong thời gian tới để đạt đỉnh mới. Điều này sẽ khiến cổ phiếu các công ty bất động sản kinh doanh nhà ở giá chấp nhận được (Affordable Housing) trở nên hấp dẫn.
Cần đặc biệt lưu tâm là việc Chính phủ bắt đầu khởi động một số dự án cơ sở hạ tầng đô thị trọng yếu như tuyến đường sắt metro, các đường vành đai và cao tốc sẽ là lực đẩy lớn cho ngành bất động sản. CBRE không ngần ngại cho rằng bất động sản ở quận 2, quận 9 và Thủ Đức có thể tăng giá lên 10-20% khi tuyến metro đi vào hoạt động.
Và cũng không thể không kể đến dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam cũng đang góp phần kích thích nhu cầu đất đai. FDI tạo nên nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tại các thành phố lớn (trực tiếp) lẫn nhu cầu bất động sản thương mại, nhà ở quanh các khu công nghiệp (gián tiếp).
Vốn FDI giải ngân |
Nhưng cơ hội tăng trưởng ở ngành bất động sản vẫn tùy vào lợi thế mỗi công ty. Lợi thế nhất vẫn là các công ty sở hữu quỹ đất lớn, chẳng hạn như Vingroup (xấp xỉ 8.000 ha), nằm gần các cơ sở hạ tầng quan trọng. VCSC dự báo doanh số từ kinh doanh bất động sản nhà ở của Vingroup có thể sẽ đạt trung bình 38.000 tỉ đồng/năm (từ năm 2015-2017), tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 và sẽ đến từ các dự án căn hộ Vinhomes và resort Vinpearl.
Ngân hàng thoát hiểm
Triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam năm 2016 được giới chuyên gia đánh giá là tích cực. Cơ sở cho triển vọng này là chính trị ổn định, tiêu thụ nội địa rộng lớn, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt. Động lực cho tăng trưởng ở ngân hàng còn đến từ tiềm năng thị trường bán lẻ, quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng mảng dịch vụ số. Đặc biệt, với cơ chế mua bán nợ xấu mới vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hoạt động hiệu quả và bền vững hơn với mức lợi nhuận cao hơn.
Quan điểm đầu tư về một ngân hàng cần xét trên nhiều chỉ số. Lấy ví dụ trong nhóm ngân hàng thương mại niêm yết, có thể thấy Ngân hàng Quân Đội (MBB) đứng đầu về tổng tài sản, thu nhập và lợi nhuận và khả năng sinh lời, đứng thứ 2 về vốn chủ sở hữu và lãi cận biên.
Lãi suất và lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 |
MBB có khả năng sinh lời cao là nhờ chi phí huy động tiền gởi thấp nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết (tiền gởi không kỳ hạn và tiền ký quỹ chiếm khoảng 40%), nhờ lợi thế về khách hàng tổ chức (các đơn vị của Bộ quốc phòng và Viettel), cho vay tăng trưởng mạnh và nhờ đầu tư trái phiếu. Tương lai, việc mua lại công ty tài chính Sông Đà sẽ giúp MBB đẩy mạnh vào tài chính tiêu dùng, lĩnh vực có mức tăng trưởng bình quân từ 20-30%/năm trong 10 năm tới. MBB còn sở hữu MBCaptial, một trong hai đơn vị đầu tiên tại Việt Nam lập quỹ mở và hiện đang quản lý 3 quỹ mở (quỹ trái phiếu MBBF, quỹ đầu tư giá trị MBVF và quỹ Japan Asian MB).
Logistics đón sóng TPP
Bên cạnh bất động sản và ngân hàng là những “át chủ” quen thuộc của giới đầu tư, trong năm 2016, logistics sẽ trở thành một “ngôi sao” mới. Ngành này có quy mô thị trường khá hấp dẫn với giá trị ước tính khoảng 60 tỉ USD. Đây cũng là ngành thu hút hơn 1.000 công ty tham gia. Dù vậy, có đến 80% thị phần logistics hiện nằm trong tay nước ngoài dù nhóm này chỉ có khoảng 25 công ty.
Sắp tới, việc Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy nhanh nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nội địa và thương mại quốc tế, đồng thời gia tăng nhu cầu thuê ngoài quản lý chuỗi cung ứng. Công ty Chứng khoán FPT dự báo, từ nay đến năm 2025, tăng trưởng hàng hóa container thông qua cảng biển sẽ đạt bình quân 7,4%/năm (thay vì chỉ tăng 4,1%/năm nếu không tham gia TPP). Do đó, các cảng biển vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Tiềm năng tăng trưởng logistics còn đến từ vốn FDI đổ vào Việt Nam. Khoảng 70% vốn FDI hiện chảy vào khu vực sản xuất. Đây là cơ hội và sức ép để Việt Nam nâng cấp phương tiện, cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ logistics, sớm đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Từ nay đến năm 2025, tăng trưởng hàng hóa container thông qua cảng biển sẽ đạt bình quân 7,4%/năm - Ảnh: 123RF |
Công ty Kiểm toán KPMG nhận định giai đoạn 2013-2020, Việt Nam sẽ đầu tư 170 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng như xe điện ngầm, đường sá, sân bay nhằm thu hẹp sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng tập trung phát triển các cảng có khả năng đón tàu từ 100.000 tấn, hỗ trợ đầu tư kho lạnh. Tất cả sẽ thúc đẩy hiệu suất hoạt động, rút ngắn chênh lệch giá và nâng cao khả năng cạnh tranh cho công ty logistics Việt Nam.
Cơ hội cho logistics còn đến từ đặc điểm Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tổng mức bán lẻ từ năm 2009 đến năm 2014 tăng 17,5%, lên mức 80 tỉ USD. Dự kiến đến năm 2019, bán lẻ Việt Nam sẽ tăng thêm 25,7% so với con số hiện tại.
Vì thế, những công ty có khả năng cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, có tiềm lực tài chính để đầu tư mở rộng kho bãi, phương tiện như Gemadept sẽ có cơ hội phát triển tốt. Hiện tại, các cảng của Gemadept như Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ, Dung Quốc, ICD Phước Long đều khai thác ở công suất gần tối đa. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận gộp của Gemadept đã tăng mạnh hơn 82%.
Dệt may có lực mới
Ngoài sự hưởng lợi của logistics từ TPP, ngành dệt may cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Ðây là ngành được đánh giá có triển vọng tăng trưởng mạnh. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ khi gia nhập WTO, ngành dệt may đã đạt tốc độ tăng trưởng 17-18%/năm. Dự kiến khi Hiệp định TPP có hiệu lực, con số này sẽ tăng đến 25%/năm.
Ngân hàng Thế giới cũng dự báo, nếu TPP hoàn tất, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành dệt may có thể đạt 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỉ USD. Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90%.
Dự kiến khi Hiệp định TPP có hiệu lực, ngành dệt may sẽ tăng trưởng đến 25%/năm - Ảnh: Trường Nikon |
Tuy nhiên, để hưởng lợi từ TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Trong khi phần lớn nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam phải nhập chủ yếu từ Trung Quốc, (quốc gia nằm ngoài TPP). Trước tình hình này, một số doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi, dệt có tên tuổi trên thế giới đã tới Việt Nam để đầu tư. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng tiến hành cơ cấu, tập trung phát triển nhóm ngành nguyên phụ liệu dệt may. Tất cả nhằm khai thác lợi thế của ngành dệt may Việt Nam khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực.
Một công ty đáng lưu ý là May Việt Tiến. Là doanh nghiệp thành viên được Vinatex cung ứng bông sợi và có chiến lược đầu tư mạnh vào vải để tăng tỉ lệ nội địa hóa, May Việt Tiến đang làm thủ tục niêm yết 28 triệu cổ phiếu mã VGG trên sàn TP.HCM.
May Việt Tiến hiện vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu, nhận may gia công, xuất khẩu hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) lẫn hàng ODM (tự thiết kế, sản xuất). Mỹ, Nhật, EU chiếm 70% cơ cấu thị trường của May Việt Tiến. Năm 2015, công ty này lên kế hoạch đạt 5.700 tỉ đồng doanh thu, 290 tỉ đồng lợi nhuận. Điều đáng nói ở công ty này là họ có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, ít nợ, tiền mặt hơn 700 tỉ đồng.
Tâm điểm hàng tiêu dùng
Khác với những ngành kể trên, lĩnh vực tiêu dùng vẫn luôn dẫn đầu trong kế hoạch đầu tư của các tay chơi chứng khoán. Báo cáo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế có chung nhận định, Việt Nam sẽ nổi lên như một thị trường hàng tiêu dùng đầy hứa hẹn. Tỉ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được tổ chức Bain Analysis dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%, hơn cả Indonesia và Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.
Tỉ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được tổ chức Bain Analysis dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8% - Ảnh: Zing News |
Dự báo năm 2016, Việt Nam sẽ chứng kiến sự lên ngôi của hàng điện tử tiêu dùng. Theo GfK, trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành điện tử tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc thiết bị viễn thông (chủ yếu là điện thoại di động), chiếm gần 44% về giá trị, tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ đạt 26,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ vào xu hướng chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang smartphone ngày càng trở nên rõ rệt.
Cùng với hàng điện tử tiêu dùng, ngành sữa cũng sẽ là “ngôi sao” sáng. VPBS nhận định, sữa là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng bậc nhất Việt Nam với doanh thu toàn ngành đạt tốc độ bình quân 16,9%/năm. Nhờ đó, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng lên 18 kg/người/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh, mức tiêu thụ này chỉ bằng 1/4 bình quân thế giới, thua Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore. HVS Việt Nam đánh giá nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng, trung bình 10%/năm trong ít nhất 10-20 năm tiếp theo.
Không khó để nhận ra Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành sáng giá nhất với vốn hóa gần 7,5 tỉ USD và giữ thị phần cao gần 50%. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Vinamilk đạt hơn 35%/năm. Công ty này có thế mạnh vượt trội về lãnh đạo, năng lực sản xuất, về mạng lưới phân phối, uy tín thương hiệu, về thị trường thị phần, về tài chính vững mạnh. Vinamilk đang hướng tới doanh thu 3 tỉ USD năm 2017, trở thành 1 trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới. Và tất cả đều đang trong guồng quay mạnh mẽ.
Ngọc Thủy