Cổ phiếu ngân hàng sẽ có 'sóng' nhờ VAMC?
“Nên mua cổ phiếu ngân hàng khi VAMC bắt đầu hoạt động”
Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Phụ trách Nghiên cứu CTCK HSC
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ngân hàng tăng kém hơn so với mức tăng chung của thị trường, vì NĐT lo ngại tiến trình xử lý nợ xấu chậm chạp. Theo chúng tôi, MBB và VCB không có các vấn đề nợ xấu dài hạn, hoạt động cho vay sẽ trở lại bình thường từ năm 2014. Đối với ACB, có thể phải mất 2 năm để xử lý nợ xấu và cho vay bình thường trở lại vào năm 2015. Tương tự, CTG và EIB cũng cần có thời gian để xử lý nợ xấu trong bảng cân đối kế toán. Vấn đề vàng đã được xử lý 95% nên không còn đáng ngại. Điều lo ngại là tỷ lệ cho vay trên tiền gửi quá cao của một số ngân hàng như EIB chính là kết quả của việc bán các chứng chỉ tiền gửi vàng. Điều này có thể hạn chế quá trình tăng trưởng tín dụng của họ trong năm nay, cũng như làm cho tỷ lệ hệ số biên lợi nhuận ròng sụt giảm.
Theo chúng tôi, NĐT có thể mua cổ phiếu MBB, VCB và cân nhắc mua ACB, EIB. Còn SHB dành cho NĐT không ngại rủi ro. Chúng tôi kỳ vọng, khi VAMC đi vào hoạt động thì giao dịch cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng lên.
“Đầu tư cổ phiếu ngân hàng sinh lời hơn gửi tiết kiệm”
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. HCM
Hiện nay, nền kinh tế có hệ số nợ ở mức cao, tổng cầu suy giảm do cắt giảm đầu tư công, DNNN tái cấu trúc, thoái vốn nên không thể “mạnh tay” vay vốn để đầu tư. Trong bối cảnh đó, DN của các thành phần kinh tế khác cũng không thể đi vay để mở rộng sản xuất, dù cho lãi suất giảm.
Xu hướng lãi suất giảm chỉ giúp cho những DN tốt hưởng lợi về chi phí hoặc các DN đã vay trước đây mà bị lỗ giờ lỗ ít hơn. Do đó, con số tín dụng tăng 2,29% (tính đến 22/5/2013) chưa vội mừng, vì bản chất vay không phải để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mà chủ yếu là vay mới trả nợ cũ nên tăng trưởng tín dụng sẽ rất chậm. Theo tôi, trong năm nay, mức tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 5 - 7%. Căn cứ kế hoạch cổ tức từ 12 - 15% của các ngân hàng, tỷ suất cổ tức bằng hoặc lớn hơn lãi suất tiền gửi. Theo tôi, NĐT mua cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng, trong khi lãi suất nhiều khả năng duy trì mức hiện tại cho đến khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
“Trong trung và dài hạn, cổ phiếu ngân hàng đáng để đầu tư”
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích - Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nên được đầu tư trong trung và dài hạn, chứ không nên lướt sóng. Đặc biệt là những ngân hàng thời gian qua được các đối tác ngân hàng Nhật Bản nắm giữ hoặc mua vào số lượng lớn như CTG, VCB, EIB.
Động thái mua cổ phiếu quỹ của ACB vừa công bố cũng đáng chú ý. Không riêng gì ACB, mà các ngân hàng khác trong giai đoạn này mua cổ phiếu quỹ có thể do ngân hàng đó có thặng dư nên mua với mục đích đầu tư. Thứ hai, các ngân hàng có xu hướng thâu tóm, sáp nhập nên việc mua cổ phiếu quỹ cũng là cách tự vệ của ngân hàng. Thứ ba, khi ngân hàng mua cổ phiếu quỹ sẽ chủ động hơn trong việc chọn đối tác chiến lược, tránh trường hợp có sự tham gia của đối tác mà ngân hàng không mong muốn. Khi có cổ phiếu quỹ, ngân hàng có thể bán cổ phiếu quỹ, thay vì phải xin phép phát hành mới.
“Tăng trưởng tín dụng có thể giúp cổ phiếu ngân hàng tạo sóng”
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới, CTCK Rồng Việt
Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng chưa hấp dẫn vì vấn đề nợ xấu cao, tăng trưởng tín dụng thấp, trạng thái âm vàng vẫn cần thêm thời gian để xử lý. 10% số vàng còn thiếu vẫn chưa rõ thuộc về ngân hàng nào. Trong năm 2012, một số ngân hàng nhỏ, mất thanh khoản phải sáp nhập nhưng vẫn chưa thực sự khỏe mạnh. Tái cơ cấu ngân hàng cần có thời gian.
Tuy nhiên, có thể chỉ cần một dấu hiệu tác động tích cực của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hay sự ra đời của VAMC khiến NĐT cảm nhận tốt về thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng tiếp tục nhích lên, khởi đầu cho một đợt sóng cổ phiếu ngân hàng. Vì thế, có 2 nhóm ngân hàng cần theo dõi thường xuyên là cổ phiếu có giá đã chạm đáy và cổ phiếu ngân hàng lớn hoặc những ngân hàng có NĐT nước ngoài mua với số lượng lớn.
(Theo ĐTCK)