Thứ Năm | 18/10/2012 15:14

Cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 75% danh mục tự doanh của ACBS

Cổ phiếu của Eximbank và Techcombank dẫn đầu danh mục đầu tư tài chính của ACBS đến hết quý III/2012.
Theo báo cáo tài chính, cuối quý III/2012, tổng số cổ phiếu trong danh mục đầu tư tài chính của CTCP Chứng khoán ngân hàng Á Châu (ACBS) khoảng 136,8 triệu cổ phiếu, giảm 18% so với đầu năm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 77% danh mục, giảm so mới mức 95% đầu năm.

Cổ phiếu EIB của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 58 triệu cổ phiếu, không thay đổi so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hiện nắm 100% vốn tại ACBS. Ngân hàng này cũng nắm khoảng 7 - 10% vốn điều lệ của Eximbank, ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch Eximbank trả lời báo chí cho biết.

Trong kỳ, ACBS mua vào một số cổ phiếu ngân hàng, đáng chú ý có cổ phiếu của ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) với gần 37,8 triệu đơn vị vào cuối kỳ, gấp hơn 3 lần so với đầu năm. Ngoài ra, ACBS hiện còn nắm gần 50 nghìn trái phiếu chuyển đổi của Techcombank.

Ngược lại, ACBS thực hiện bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ của SHB, DongABank, VPBank, GiaDinhBank (nay là VietCapital Bank), KienLongBank, DaiABank và bán tới hơn 14,5 triệu cổ phiếu VietABank

Các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư tài chínhACBS cuối quý III/2012
Đơn vị: cổ phiếu
Nguồn: Báo cáo tài chính ACBS quý III/2012
Nguồn: Báo cáo tài chính ACBS quý III/2012

Về thị phần môi giới trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, đáng chú ý, trong quý I/2012, thị phần của ACBS lên tới 10,36%. Tước đó, từ quý III/2009 đến quý IV/2011, thị phần môi giới của ACBS chỉ dưới 5,5%. Như vậy, chỉ trong một quý, thị phần môi giới của ACBS bất ngờ tăng gần gấp đôi, giúp công ty này vươn lên xếp vị trí thứ 3 về thị phần môi giới trên HSX.

Thị phần môi giới tăng đồng nghĩa với giao dịch của nhà đầu tư tại công ty tăng mạnh. Cuối quý II. các khoản phải thu từ hoạt động môi giới đạt hơn 9,6 tỷ đồng, gấp 16 lần so với đầu năm. Doanh thu từ hoạt động môi giới 6 tháng đầu năm đạt 74,4 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Việc doanh thu môi giới tăng mạnh có thể phần lớn nhờ sự tăng trưởng trong quý I.

Tuy nhiên, ACBS không giữ vững được thị phần môi giới này trong các quý tiếp theo. Sang quý II, thị phần môi giới của ACBS giảm mạnh xuống 6,25%, sang quý III, thị phần môi giới nhích lại lên 8,08%.

Nguồn: HSX
Nguồn: HSX

Theo báo cáo mới công bố, trong quý III, xét riêng cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư mở tài khoản tại ACBS thực hiện mua khoảng 325 triệu cổ phiếu và bán 387 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu mua trị giá gần 4.350 tỷ đồng trong khi giá trị bán đạt gần 5.370 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày giao dịch trong quý III, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư mở tài khoản tại ACBS đạt hơn 11,1 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 150 tỷ đồng.

Song, về hoạt động kinh doanh, quý III có thể nói là quý "bết bát" với ACBS khi mà công ty này lỗ tới 55,9 tỷ đồng sau khi lãi hơn 176 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân khiến ACBS bất lỗ nặng trong quý III là do chi phí hoạt động kinh doanh quá cao (179,6 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước).

Nguồn Khampha


Sự kiện