Cổ phiếu không biểu quyết: Ai bán, ai mua?
Ủy ban Chứng khoán nhà nước dự định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần ở một doanh nghiệp cao hơn tỉ lệ 49%. Họ sẽ được mua thêm 10% cổ phần không có quyền biểu quyết.
Cổ phiếu không có quyền biểu quyết (Non-voting Share - NVS) cũng giống như cổ phiếu thường, chỉ khác là không được tính quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông. Hình thức này phổ biến ở các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc. Thái Lan là thị trường khá tương đồng với Việt Nam nhưng cũng đã áp dụng hình thức này từ lâu. NVS đặc biệt có tác dụng với các cổ đông sáng lập. Vì nhà đầu tư có thể nắm nhiều cổ phần, có cả NVS, nhưng vẫn không thể tiến đến thâu tóm để kiểm soát công ty. Ở Việt Nam, NVS đang được các cơ quan quản lý nhắm đến như một công cụ giúp thu hút vốn ngoại và tăng thanh khoản cho thị trường.
Ai bán?
Trong dự thảo được đưa ra mới đây, dự định phát hành thêm 10% NVS chưa được nói rõ trong ngành nào. Vì vậy, có thể hiểu NVS được kỳ vọng làm tăng thanh khoản cho toàn thị trường. Tỉ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại một doanh nghiệp hiện nay là 49%. Ở nhiều doanh nghiệp, khi room đầy thì giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài gần như đứng im. Nếu họ được mua thêm, sự sôi động trong giao dịch ít nhất cũng đến từ 10% cổ phần này.
Nhưng ai sẽ đứng ra phát hành số cổ phiếu này và quản lý nó như thế nào? Làm sao nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu trên sàn biết được rằng đâu là cổ phiếu thường, đâu là NVS?
Ở các thị trường lớn như Mỹ, cổ phiếu loại này được đánh dấu là A và B (Class A, Class B) và niêm yết riêng. Còn ở Việt Nam, cách thức phát hành và hình thức niêm yết vẫn chưa được thống nhất. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Hoàng Thạch Lân, có thể tham khảo ở các thị trường lân cận để tìm ra phương thức phù hợp.
Về đối tượng phát hành, mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn ở Trung Quốc là doanh nghiệp phát hành, còn ở Thái Lan thì lại do một công ty thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện. Công ty NVDR ở Thái Lan có đến 99,9% cổ phần do Sở quản lý. Công ty này chuyên phát hành các sản phẩm phái sinh như NVS. “Thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam chưa phát triển. Vì vậy, trách nhiệm phát hành ở Việt Nam rất có thể sẽ thuộc về doanh nghiệp niêm yết”, ông Lân nói.
Do tính chất của việc phát hành là tăng vốn nên có lẽ không ít doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để huy động vốn (một khi đã có quy định cụ thể về việc phát hành NVS). Cái lợi của việc phát hành NVS là doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn mới với chi phí thấp. Tuy nhiên, không phải là không có thách thức. Chẳng hạn, khi số cổ phần tăng lên thì cổ tức nhận được của cổ đông cũng giảm lại, nếu tính ở cùng tỉ lệ cổ tức. Mặt khác, chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) cũng sẽ giảm xuống, tạo áp lực nâng cao hiệu quả hoạt động cho phía ban điều hành.
Về cách thức niêm yết, đã có một số ý kiến cho rằng nên thêm 1 mã giao dịch khác. Chẳng hạn với cổ phiếu VNM của Công ty Sữa Vinamilk thì sẽ thêm mã VNM1, VNM2. Nhưng điều này lại gây ra khó khăn cho các nhà quản lý khi tính các chỉ số thị trường (có liên quan đến lượng cổ phiếu mỗi doanh nghiệp). Cách này đôi khi lại không phải là giải pháp dễ chịu đối với doanh nghiệp, vì chỉ 1 công ty mà có nhiều mã niêm yết. Ông Lân cho rằng: “Giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận đã có bảng điện tử riêng thì NVS cũng nên như vậy, vừa dễ phân biệt mà vẫn giữ được tên cũ”.
Ai mua?
Cũng có ý kiến cho rằng, NVS không được ưa chuộng bằng cổ phiếu thường. Thực tế không hẳn như vậy.
Nhà đầu tư cũng có năm bảy kiểu. Người nắm cổ phần chi phối, cũng có không ít người chỉ đơn thuần muốn mở rộng khoản đầu tư tại doanh nghiệp đó để hưởng các khoản lợi nhuận, chẳng hạn như cổ tức. Với nhóm này, được mua thêm cổ phiếu trong khi room đã đầy là điều mong chờ từ trước tới nay. Nhất là các quỹ đầu tư chỉ số - ETF như cách nhìn nhận của ông Lân.
Xét về tính thanh khoản, có khi họ mua vào rồi để đấy mà không bán ra nên không tạo thêm thanh khoản. Nhưng xét về bản chất, đã có một dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam. Dù sao, đây cũng là điều tốt cho doanh nghiệp.
“Nếu NVS được phát hành, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét mua vào”, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho biết. Dù vậy, cơ hội cho những nhà đầu tư mới như VCP có lẽ không nhiều. Theo ông Sơn, các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phần từ trước sẽ có nhiều lợi thế hơn, nhất là nhà đầu tư chiến lược, vì họ có sẵn mối quan hệ đối tác, có thông tin và sẵn sàng mua cả “gói”. Nhưng vẫn còn cơ hội ở những doanh nghiệp chưa có đối tác chiến lược.
Trước mắt, NVS đã có người mua, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát hành được. “Chúng tôi chỉ chọn những doanh nghiệp tốt để mua, theo tiêu chí đầu tư của Quỹ”, ông Sơn nói.