Cổ phiếu khoáng sản Titan hết thời đầu cơ?
Việc Chính phủ cho phép xuất khẩu Titan và các sản phẩm từ titan giúp Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định (mã BMC) có lợi nhuận tăng đột biến trong hai năm liên tục. Năm 2012, lợi nhuận dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng BMC vẫn vượt 12% kế hoạch năm khi đạt lãi sau thuế 86,5 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu BMC cũng tăng khủng trong năm 2012, từ 15.100 đồng, lên 45.400 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần.
Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2013, BMC đạt lãi ròng 42,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với 64 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, giá cổ phiếu BMC cũng giảm mạnh, từ mức cao nhất trong hai năm qua là 61.000 đồng (tuần đầu tháng 4/2013) xuống còn 41.100 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 24/9), tương ứng mức giảm 33%, mặc dù công ty đã được phép xuất khẩu 34.000 tấn tinh quặng Ilmenite tồn kho giúp lợi nhuận dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2013 và ngày 22/8/2013, BMC đã trả đợt 3/2012 với tỷ lệ 20% và cổ tức đợt 1/2013 tỷ lệ 15%.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn (mã SQC) là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khoáng sản với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng nhưng lãi ròng quý 2/2013 chỉ có 1,6 tỷ đồng, giảm khủng so với 44 tỷ đồng cùng kỳ năm trước (năm 2012 lãi ròng lên tới 162 tỷ đồng).
Giá cổ phiếu SQC cũng giảm từ mức cao nhất trong năm 2012 là 84.500 đồng, xuống tới 78.200 đồng/cổ phiếu và suốt gần 2 tháng qua, không có cổ phiếu nào được mua bán.
SQC hiện đang sở hữu nhà máy tinh luyện xỉ Titan có quy mô lớn nhất Việt Nam, giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm 3 lò, quy mô sản lượng xỉ và sắt tăng thêm tương ứng là là 36.000 tấn/năm và 18.000 tấn/năm.
Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA) cũng là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng từ sản xuất titan vì KSA có dự án nhà máy tinh luyện quặng.
Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh, giá cả cũng leo thang, vì vậy, việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên rất sôi động.
Hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này tại ra môi trường cạnh tranh rất khốc liệt. Hiện nay, riêng tại 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Bình Thuận (3 tỉnh có trữ lượng quặng Titan lớn nhất cả nước) có khoảng 95 công ty khai thác Titan được cấp phép hoạt động, hầu hết chỉ khai thác và bán sản phẩm quặng thô.
Mới đây nhất, ngày 9/9/2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB-HOSE) công bố thông tin đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp cho dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sa khoáng Titan thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Quảng Ngãi (công ty con do NBB sở hữu 90% vốn), với tổng vốn đầu tư 123,98 tỷ đồng, quy mô 21.000 tấn quặng nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 27 năm.
Trước đó, trong tháng 6/2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) cũng thông báo góp 40% vốn thành lập Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Bình Định, vốn điều lệ 68 tỷ đồng, để xây dựng nhà máy chế biến Titan.
Tuy nhiên, Chính phủ quyết định cấm xuất khẩu quặng thô từ đầu năm 2011 và theo Thông tư 41/2012/TT- BCT của Bộ Công Thương, sản phẩm titan chế biến sâu được phép xuất khẩu tối thiểu phải là Ilmenite hoàn nguyên (TiO2 56%).
Do vậy, hàng loạt các dự án Titan phải đầu tư với số vốn rất lớn để triển khai xây dựng các nhà máy chế biến sâu Titan như chế biến xỉ Titan, bột Ziron siêu mịn, bột màu TiO2 pigment.
Điển hình là Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đã phải bỏ ra đến 140 triệu USD (hơn 2.800 tỉ đồng) để xây nhà máy chế biến sâu Titan có công suất 30.000 tấn/năm.
Hơn nữa, trong năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra và kiểm soát gắt gao, phạt rất nặng tất cả những công ty khai thác chế biến Titan gây ô nhiễm môi trường như: đất, nước ngầm nhiễm mặn, rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát ven biển bị tàn phá...