Thứ Tư | 16/10/2013 19:58

Cổ phiếu đua nhau rời sàn chứng khoán

Hết quý III, số lượng cổ phiếu hủy niêm yết trên hai sàn lên tới gần 30 mã, chủ yếu vì những lý do như làm ăn thua lỗ hay sáp nhập.
Ngân hàng Nam Việt (Navibank) vừa xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết cổ phiếu NVB. Nếu thành công, đây sẽ là mã ngân hàng thứ hai phải rời sàn trong 2 năm qua, sau HBB. Theo một lãnh đạo ở Navibank, nguyên nhân chính do giao dịch không đem lại hiệu quả như kỳ vọng của nhà băng. Câu chuyện của Navibank một lần nữa khiến giới đầu tư nhớ đến những cổ phiếu từng đình đám trên sàn, nhưng nay chỉ còn là những cái tên trong quá khứ.

Theo các thông tin đã công bố từ hai Sở Giao dịch, 9 tháng đầu năm, sàn Hà Nội và TP HCM có gần 30 cổ phiếu hủy niêm yết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tại HNX, 21 cổ phiếu buộc phải rời sàn, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Hơn một nửa số này là hủy bắt buộc do sa sút trong làm ăn kinh doanh, lỗ 3 năm liên tiếp, không công bố báo cáo tài chính đúng thời hạn hoặc công ty rơi vào tình trạng giải thể như DTC, SHC, SVS.

Ngoài ra, các công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, Mã CK: SJS) cũng chiếm số đông trong danh sách với 5 mã bị hủy là S27, SCC, SD8, SDJ, STL, chủ yếu do kinh doanh thua lỗ và chậm trễ báo cáo. Gần đây nhất, hai doanh nghiệp khác vừa phải tạm biệt sàn vào ngày 23/9 là Chứng khoán Tràng An (Mã CK: TAS) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Cotec (Mã CK: CIC). Trong đó, hồi đầu năm, Chứng khoán Tràng An vấp phải vụ lùm xùm lừa đảo hàng loạt nhà đầu tư và thay đổi lớn trong bộ máy ban điều hành.

Còn Công ty Đầu tư và Xây dựng Cotec cũng mới chỉ cập nhật báo cáo tài chính đến hết quý I/2013 với khoản lỗ hơn 785,62 triệu đồng. Trong khi đó, đến ngày 31/3, đơn vị này vẫn còn khoản lỗ lũy kế để lại từ các năm trước lên tới trên 11,6 tỷ đồng. Tại phiên giao dịch cuối cùng ngày 20/9, CIC đứng giá tham chiếu với 1.800 đồng một cổ phiếu. Suốt gần 8 năm niêm yết trên thị trường, từng có lúc CIC đạt giá trên 50.000 đồng một cổ phiếu.

Một số mã khác như FLC, HPR hay HBD không bị bắt buộc hủy niêm yết nhưng vẫn xin rút khỏi sàn để sáp nhập doanh nghiệp hoặc chuyển sang sàn khác giao dịch.

Trong khi đó, tại sàn TP HCM (HOSE), 9 tháng qua, thị trường ghi nhận PHT, SBS, DDM, FBT, NTB, AGD, PRUBF1, PVF lần lượt bị hủy niêm yết. Nguyên nhân các cổ phiếu này rời cuộc chơi cũng thiên hình vạn trạng.

Có mã giã từ HOSE vì thua lỗ triền miên như NTB hay lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ là SBS nhưng cũng có trường hợp tự nguyện ra đi như DDM. Riêng Quỹ Đầu tư Cân bằng Prudential - PRUBF1 hủy niêm yết từ ngày 4/9 để giải thể quỹ do đã hết thời gian hoạt động vào ngày 6/10/2013. Tổng giá trị niêm yết bị hủy theo mệnh giá là 500 tỷ đồng.

Có những mã âm thầm rút lui nhưng cũng có cổ phiếu vẫn kịp để lại vài đợt sóng trước ngày rời sàn. Điển hình là PVF chính thức xóa tên tại HOSE hôm 24/9 do Tổng công ty Tài chính Dầu khí hợp nhất với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây.
chung-khoan-15-BH-3992-1381915252.jpg

Lượng cổ phiếu hủy niêm yết 9 tháng đầu năm trên 2 sàn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bạch Hường.

Từ cuối tháng 8 đầu tháng 9, áp lực bán tháo xuất hiện khi các quỹ ETF loại PVF ra khỏi danh mục đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đầy mạnh giải chấp mã này. Ngược với vòng xoáy bán tháo, vẫn có nhà đầu tư nhỏ lẻ gom hàng bắt đáy và kỳ vọng có thể kiếm lời từ PVF trong vài năm sau khi cổ phiếu này đủ điều kiện tái xuất với diện mạo mới.

Cổ phiếu hủy niêm yết cũng gây không ít rắc rối lẫn băn khoăn cho nhà đầu tư nắm giữ những mã này vì nhiều người không biết sẽ giao dịch mớ hàng tồn thế nào. Tình trạng này đồng thời còn dấy lên làn sóng lo ngại lượng cổ phiếu ra đi lớn sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Song với các chuyên gia không phải cứ hủy niêm yết là khủng hoảng.

Giám đốc Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, Nguyễn Việt Đức phân tích: “Đúng là lượng doanh nghiệp hủy niêm yết có chiều hướng gia tăng nhưng đây không phải là dấu hiệu tiêu cực. Cổ phiếu rời sàn chưa hẳn là điều xấu, ngược lại có thể mở ra những cơ hội mới”.

Theo ông Đức, lượng doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả hai sàn gia tăng nhưng chỉ là con số lẻ, không đáng kể so với danh sách gần 700 cổ phiếu. Ông cũng cho rằng sự ra đi của những mã này chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh nguyên nhân chính là thực trạng nền kinh tế khó khăn còn có xu hướng hủy niêm yết để sáp nhập, hợp nhất, mua bán, xử lý nợ, cơ cấu lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, khá nhiều trường hợp công ty dù thua lỗ nhưng khối tài sản lớn, đủ để xử lý các khoản nợ.

Chuyên gia này đánh giá thêm, thị trường chứng khoán ngày càng cải thiện độ chuyên nghiệp. Nhà đầu tư và các công ty môi giới đều phản ứng linh hoạt trước các thay đổi trên sàn, đặc biệt danh mục đầu tư đang hướng đến kinh doanh thực chất và chắc chắn hơn là chạy theo tâm lý đám đông. Do đó, sự ra đi của mã này, mã kia hầu như không làm ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư.

Trong số 700 mã chứng khoán trên cả hai sàn, chỉ khoảng 50% cổ phiếu giao dịch thường xuyên và có thanh khoản tốt. Ông Đức bày tỏ: "Cơ quan chức năng có lẽ nên áp dụng các tiêu chí niêm yết mới với tiêu chuẩn cao hơn để tạo sức hấp dẫn cho thị trường. Bản thân nhà đầu tư cũng chỉ hướng đến những mã lớn hoặc nhóm cổ phiếu có chỉ số kinh doanh tốt. Những doanh nghiệp yếu rơi vào tình trạng thanh khoản kém, hầu như không giao dịch thường xuyên. Vì vậy, những mã này bị huỷ niêm yết không ảnh hưởng nhiều đến thị trường, có khi huỷ niêm yết xong, doanh nghiệp lại tìm được hướng đi phù hợp hơn và có thể ‘sống’ lại”, chuyên gia này chia sẻ.

Với góc nhìn lạc quan, ông Trịnh Xuân Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán MB nhận định: “Doanh nghiệp yếu kém bị đào thải khỏi thị trường là lẽ tất yếu, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện tại, chuyện các công ty không vượt qua nổi khủng hoảng cũng đang khiến nhà đầu tư tiếp nhận một cách dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Sơn cho rằng việc bắt buộc rời sàn của các công ty có thể giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. “Khi niêm yết, các công ty buộc phải thực hiện chế độ báo cáo hết sức nghiêm ngặt. Trong giai đoạn khó khăn, không đơn vị nào muốn công bố hết nội tình của mình cho người khác xem”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, từ nay đến cuối năm và thậm chí sang cả năm sau, số lượng doanh nghiệp phải rời sàn rất có thể còn tiếp tục gia tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần số hiện tại. Trong khi đó, doanh nghiệp mới lên sàn có thể sẽ tăng chậm lại do ưu đãi về niêm yết không còn.

“Hiện tại thị trường vẫn còn khó khăn, lượng bán rất nhiều trong khi lượng mua lại thấp. Tất cả những mục đích, lợi ích doanh nghiệp kỳ vọng khi niêm yết hiện tại đều không đạt được, hoặc hiệu quả rất thấp. Do vậy ngày càng nhiều công ty không còn mặn mà với việc lên sàn, ngoại trừ những đơn vị đã cam kết với cổ đông và phải thực hiện”, ông Sơn nói thêm.

Nguồn vnexpress


Sự kiện