Cổ phiếu dệt may có thực sự hấp dẫn?
Sau làn sóng ồ ạt đầu tư xây dựng nhà máy sợi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại tiếp tục dắt tay nhau niêm yết trên sàn chứng khoán. Động thái này được cho là nhằm chuẩn bị thu hút vốn đầu tư trước thềm TPP. Nhưng liệu cổ phiếu ngành này có thu hút như mong đợi?
Dệt may nô nức lên sàn
Dù chỉ mới niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 9 vừa qua, nhưng 42,3 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ đã gây chú ý khi mức giá liên tục tăng, từ 29.000 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được cho là cao hơn nhiều so với mức 10.000 đồng khi niêm yết.
Hồi đầu tháng 9, Công ty Cổ phần Đầu tư Dệt may G.Home cũng đã niêm yết 9,6 triệu cổ phiếu với mã giao dịch G20. G.Home kinh doanh trong lĩnh vực dệt may với các sản phẩm chính là bông tấm, hàng may mặc xuất khẩu và chăn ga gối đệm. Sau khi niêm yết, doanh nghiệp này có kế hoạch tăng vốn lên gấp 1,5 lần, dự kiến đạt mức 144 tỉ đồng. G.Home đã có kế hoạch đầu tư nhà máy bông ở phía Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2016, cùng một nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ.
Trong khi đó, Tổng Công ty May Việt Tiến dự kiến sẽ lấy được mã giao dịch VGG trong tháng 12 tới đây, còn Công ty May 10 sẽ sử dụng mã M10 khi chính thức chào sàn. Các thương hiệu lớn khác trong ngành như Hòa Thọ, Đức Giang hay Nhà Bè cũng đang hoàn thiện hồ sơ niêm yết.
Vào năm 2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bằng cách đấu giá, với khối lượng 122 triệu cổ phiếu. Kết thúc phiên đấu giá, đã có 110,6 triệu đơn vị cổ phiếu được mua, giúp doanh nghiệp này thu về 1.216 tỉ đồng. Sự kiện này từng thu hút tới 30 nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua 5,5 triệu cổ phiếu. Đây được xem là thương vụ IPO lớn thứ 2 tại Việt Nam trong năm ngoái.
Ngay sau khi Vinatex tiến hành IPO, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường cho biết Công ty đã định ra lộ trình trong 3 năm sẽ niêm yết trên các sàn giao dịch có tổ chức. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6.2015, tức là chưa đầy 1 năm kể từ khi IPO, Vinatex đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với mã VGT. “Ðiều này cũng đồng nghĩa lộ trình niêm yết của Vinatex nhiều khả năng sẽ được rút ngắn đáng kể”, ông Trường nói.
Việc các doanh nghiệp dệt may nô nức niêm yết thời gian gần đây được lý giải là do nhu cầu thu hút vốn lớn nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP mà Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán.
Theo đó, khi TPP có hiệu lực, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật hay Canada. Do hiệp định này yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi, nên đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Niêm yết được xem là giải pháp nhanh nhất giúp giải quyết bài toán vốn cho việc này. Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn chứng khoán còn giúp doanh nghiệp dệt may thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
Thật ra, trước khi đàm phán TPP chưa hoàn tất, ngành dệt may cũng đã thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2015, đã có 3,5 tỉ USD vốn ngoại được đăng ký mới.
Theo ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư sẽ tạo điều kiện hoàn thành chuỗi cung ứng dệt may, tăng tỉ lệ nội địa hóa và cùng hưởng lợi từ quá trình hội nhập. “Theo chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2018-2040, Việt Nam sẽ là công xưởng dệt may của khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc”, ông cho hay.
Có thực sự tiềm năng?
Năm 2015, cổ phiếu ngành dệt may có mức tăng trưởng 17-20%. Nhưng ngay sau khi TPP hoàn tất đàm phán, giá cổ phiếu nhóm ngành này lại có dấu hiệu giảm từ 5-10% giá trị. Ngành dệt may tuy nằm trong nhóm được hưởng lợi nhiều nhất sau khi TPP có hiệu lực, nhưng đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về nguyên liệu. Nếu không tự chủ được nguồn nguyên liệu từ sợi trở đi, họ sẽ không được hưởng lợi về thuế khi xuất khẩu. Dù tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ngành may đã đạt mức 50% và dự kiến sẽ tăng lên 70% vào năm 2018, nhưng bài toán mở rộng đầu tư sao cho hiệu quả vẫn đang gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp trong ngành.
Mặt khác, dù cổ phiếu của những doanh nghiệp như Dệt may Thành Công hay Garmex Sài Gòn đều được xếp hạng là cổ phiếu tốt, biên lợi nhuận ngành này vẫn là rất thấp.
Ví dụ, Thành Công vốn liên doanh với Hàn Quốc từ nhiều năm nay và được cho là có mô hình sản xuất lớn, khép kín, máy móc hiện đại, nhưng tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này không mấy hấp dẫn. Tính riêng quý II/2015, Thành Công thu về 736 tỉ đồng nhưng chỉ lãi 52 tỉ đồng. Vì thế, cổ phiếu ngành dệt may dường như vẫn chưa thật sự là những con gà đẻ trứng vàng cho nhà đầu tư lớn. Ðó cũng là một phần lý do vì sao cổ phiếu ngành này không mấy sôi động và chưa được nhà đầu tư quan tâm đúng mức trong vài năm qua.
Cũng có không ít doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết vì bị bắt buộc. Trước đây, do Chính phủ chưa có luật yêu cầu các công ty sau khi cổ phần hóa phải lên sàn, nên nhiều doanh nghiệp dệt may lớn vẫn còn chần chừ. “Đến nay khi đã trở thành luật, nếu công ty nào không lên sàn, công ty đó sẽ bị phạt. Vì thế, bắt buộc các doanh nghiệp này phải lên sàn chứng khoán, không có cách nào khác”, ông Giang cho biết.
Có lẽ, doanh nghiệp dệt may lên sàn là một chuyện, nhưng có thu hút được vốn đầu tư hay không thì lại là một câu chuyện khác. Thời gian sẽ trả lời.
Thanh Hương