Cổ phiếu BID của BIDV: Giá nào là "vừa miếng"?
Sự kiện hơn 2,8 tỷ cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 24/1 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.
Với giá chào sàn 18.700 đồng/cổ phiếu, sức hấp dẫn của BID ở mức nào và tiềm năng tăng giá của cổ phiếu BID sẽ ra sao sau khi chào sàn.
Mức giá chào sàn 18.700 đồng/cổ phiếu của BID được cho là khá hấp dẫn. Ảnh: Đức Thanh |
Một trong những cách để "thăm dò" mức giá của cổ phiếu BID là nhìn lại lịch sử khi ngân hàng này phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cách đây hơn 2 năm.
Tại thời điểm BIDV đấu giá, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu và CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vào khoảng 11.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, với giá IPO thành công là 18.583 đồng, cổ phiếu của BIDV tại thời điểm đấu giá thấp hơn một chút so với VCB, nhưng cao hơn khá nhiều so với cổ phiếu CTG.
Đến thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu VCB của Vietcombank đã ở mức 29.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu CTG của VietinBank ở mức hơn 16.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu CTG và VCB đến nay tăng khoảng 1,5 lần so với thời điểm BIDV đấu giá. Do đó, nếu cổ phiếu BIDV cũng có được tốc độ tăng giá như các ngân hàng bạn, thì mức giá chào sàn 18.700 đồng/cổ phiếu được coi là khá "mềm".
Tuy nhiên, để có sự so sánh sâu hơn giữa BIDV và 2 ngân hàng đang niêm yết, các thông số cơ bản tại thời điểm mới nhất của 3 ngân hàng là những yếu tố mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Xét về mặt quy mô vốn, với vốn điều lệ khi niêm yết hơn 28.000 tỷ đồng, BIDV có vị trí trung bình so với hai ngân hàng kia (VietinBank có vốn điều lệ hơn 37.000 tỷ đồng, còn Vietcombank là hơn 23.000 tỷ đồng).
VietinBank hiện cũng là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất với hơn 570.000 tỷ đồng, còn Vietcombank có quy mô nhỏ nhất, với gần 468.000 tỷ đồng. Ở thông số này, BIDV cũng nằm ở khoảng giữa, với tổng tài sản 550.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, thông số đánh giá hiệu quả hoạt động là lợi nhuận thì BIDV lại thấp nhất. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của BIDV là 5.233 tỷ đồng, trong khi Vietcombank đạt 5.727 tỷ đồng và VietinBank đạt 7.750 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ của BIDV là gần 18,7% và lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản là 0,95%. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng của Vietcombank là 24,9% và 1,22%; của VietinBank là hơn 20,9% và gần 1,36%.
Tuy lợi nhuận kinh doanh dịch vụ ngân hàng ở mức khá khiêm tốn so với các ngân hàng bạn, nhưng BIDV lại có thế mạnh trong hoạt động của các công ty con.
Theo ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, các công ty trực thuộc BIDV trong năm 2013 đã có kết quả phát triển tốt. Theo đó, hiện Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đứng thứ 7 về bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Riêng lợi nhuận của BIC trong năm 2013 đạt 121 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) hiện cũng đứng trong tốp 10 về thị phần môi giới chứng khoán tại 2 sàn.
Ngoài ra, BIDV hiện tỏ ra khá nổi trội trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đang là chủ tịch của 3 hiệp hội các nhà đầu tư sang Lào, Campuchia và Myanmar.
Hiện tại, tại Lào và Campuchia, BIDV đều có các ngân hàng và công ty bảo hiểm hoạt động dưới dạng công ty con hoặc liên doanh. Trong đó, Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt hiện đứng vị trí thứ 2 về quy mô tại thị trường Lào, với tổng tài sản 525 triệu USD; Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt cũng đứng thứ 2 về doanh thu phí bảo hiểm gốc tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Lào. Tại Campuchia, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia hiện đứng thứ 5 về quy mô tài sản và Công ty Liên doanh Bảo hiểm Campuchia đang chiếm 8% thị phần nước này.
Ngoài kinh doanh, BIDV còn là ngân hàng có vị thế trong việc tham gia đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia. Hiện tại, tổng vốn cam kết của BIDV cho các chương trình trọng điểm lên đến 40.000 tỷ đồng. Đây cũng là lợi thế của BIDV trong việc xúc tiến tìm kiếm các đối tác cũng như đẩy mạnh kinh doanh thời gian tới.
Nguồn NDH.vn