Cổ phiếu Bamboo đắt hay rẻ? Ảnh: Zing

 
Kim Anh Thứ Bảy | 07/12/2019 07:00

Cổ phiếu Bamboo đắt hay rẻ?

Vào đầu năm tới, Hãng hàng không Bamboo Airways dự định sẽ niêm yết với mức giá chào sàn cao ngất ngưởng...

BAV không đạt 100.000 đồng/cổ phiếu, ông Quyết xin phá sản?

Mới đây, Bamboo Airways đã chào bán cổ phiếu nhằm tri ân đối tác là Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội kèm với điều kiện mua lại với mức giá cao gấp đôi.  

Cụ thể, Chi nhánh Thanh Xuân và các cán bộ nhân viên đang ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên với Chi nhánh sẽ có quyền tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu BAV với giá ưu đãi là 40.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nội dung của công văn được gửi đến Ngân hàng BIDV, người mua cổ phần trong chương trình này sẽ được Tập đoàn FLC hoặc cá nhân/ pháp nhân do tập đoàn FLC/ Bamboo Airways chỉ định cam kết mua lại với giá tối thiểu gấp đôi giá mua sau 6 tháng kể từ thời điểm trở thành cổ đông. Mức giá mua lại này gần tương đương giá trị cổ phiếu BAV theo định giá của Công Ty Thẩm Định Giá Và Giám Định Chất Lượng Việt Nam (VIVC) tại mức 82.280 đồng/cổ phiếu.

Với cam kết này, các nhà đầu tư được mua cổ phiếu BAV đều nhận được mức sinh lời hơn 100% trong vòng 6 tháng.

Sự tự tin còn thể hiện ở những khẳng định “hùng hồn” của ông Quyết khi tuyên bố sẽ phá sản, “thương hiệu FLC vứt đi” nếu năm 2020 nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không đạt trên 100.000 đồng/cổ phiếu.

 

Thậm chí, ban lãnh đạo còn cho biết nếu có bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì giá sẽ không dưới 150.000 đồng/cổ phiếu.

So với các đàn anh, giá cổ phiếu BAV đang ở đâu?

Liên quan đến kế hoạch IPO hồi tháng 10/2019, nói với Bloomberg, Bamboo Airways cho biết hãng lên kế hoạch thực hiện IPO trong năm 2020, kỳ vọng huy động được khoảng 100 triệu USD để mở rộng thị phần trong ngành hàng không vốn đang hiện diện nhiều đàn anh như Vietjet Air (HoSE: VJC) và Vietnam Airlines (HoSE: HVN). Cũng theo chia sẻ với Bloomberg, cổ phiếu BAV của Bamboo Airways dự kiến niêm yết tham chiếu 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (tương đương vốn hóa khoảng 20.250 - 24.300 tỉ đồng).

Để so sánh, cổ phiếu HVN chỉ đang giao dịch quanh mức 35.150 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 06/12/2019) tương đương với mức vốn hóa gần 50.000 tỷ đồng. Khi niêm yết trên sàn UpCom, giá tham chiếu của HVN là 28.000đ/cp. trong khi đó, cổ phiếu VJC được giao dịch quanh 144.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa hơn 75.000 tỷ đồng. Và mức định giá của VJC khi niêm yết hồi tháng 02/2017 đạt 27.000 tỷ đồng (mức giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu).

 

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2016-2018, Vietnam Airlines lãi bình quân hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Cùng giai đoạn, Vietjet cũng lãi hơn 4.300 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, quý I/2019, Bamboo Airways ghi nhận lỗ 329 tỷ đồng.

Về thị phần, số liệu từ cục Hàng không Việt Nam cho biết, tại thị trường nội địa, nhóm Vietnam Airlines (Vietnam Airlines và Jetstar) đang chiếm 52,5% thị phần, Vietjet đang nắm 41,2%. Mới tham gia thị trường từ tháng 1/2019, Bamboo Airways nắm 5,4%.

Với các tuyến bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam đang nắm khoảng 57,8%. Trong đó, Vietnam Airlines và Jetstar nắm 23,9%, Vietjet nắm 18,3%. Bamboo Airways hiện mới mở 2 tuyến bay quốc tế tới Đài Bắc và Seoul, nhưng lại đặt tham vọng bay đến Mỹ.

Cụ thể, hồi tháng 9/2019, ông Quyết chia sẻ với Financial Times rằng: “Chúng tôi sẽ bắt đầu vào quý 1 năm 2020 nếu được cấp phép vào cuối năm nay”, và ông cũng từng khẳng định rằng, tuyến bay này sẽ không lỗ. Trong khi đó, đàn anh như Vietnam Airlines lại rất thận trọng, khi ông Dương Trí Thành, CEO HVN từng cho biết, theo tính toán, khi mở đường bay thẳngViệt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm...

►Canh bạc IPO Bamboo Airways

Nguồn Tổng hợp