zing.vn

 
Hải Vân Thứ Tư | 19/09/2018 16:59

Cổ phần hóa: Nút thắt lớn từ đất đai

Mỗi năm, giảm 4% doanh nghiệp và 5,1% về lao động, cho thấy chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiến triển rất chậm

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, tại họp báo Công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 hôm19.9, nói rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có tiến triển, nhưng quá trình thực hiện "rất chậm”.

Lợi ích từ các khu đất vàng

Cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn rất chậm dù đã đi quá nửa giai đoạn 2. Số liệu của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cho thấy, nửa đầu năm 2018, có 16 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, thu về gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu năm 2017.

Các bộ ngành và địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp thu về gấp 3 lần giá trị sổ sách, gần 5.600 tỷ đồng. Nhưng tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ hơn 28.000 tỷ đồng. 

Nhìn vào kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, mỗi năm chỉ giảm 4% doanh nghiệp và 5,1% về lao động, kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhiều khả năng không được hoàn thành vào năm 2020.

Lợi ích từ các “khu đất vàng”, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa, khiến lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ khi bán vốn doanh nghiệp. Tiến trình cổ phần hóa chậm còn bởi những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là những quy định liên quan đến đất đai.

Theo Kế hoạch năm 2018, TP.HCM phải thực hiện cổ phần hoá 39 doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đến nay chưa có phương án giao lại đất cho doanh nghiệp do phần lớn mặt bằng được giao các quận, huyện quản lý và cho thuê sử dụng.

Một nguyên nhân khác, việc xác định phương án sử dụng đất trước IPO. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tại một cuộc họp hồi tháng 7, cho biết, việc đưa ra các “quy định cứng” đã khiến nhiều doanh nghiệp “không dám” chốt phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa.

Co phan hoa: Nut that lon tu dat dai

Ông Chi dẫn chứng, Nghị định 32/2018 đưa ra các quy định về xác định giá trị cổ phần, giá khởi điểm chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Theo quy định này, sau khi xác định giá khởi điểm, doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán phải công bố giá bán này tối thiểu 20 ngày trước phiên đấu giá cổ phần, trong khi các nhà đầu tư tham gia mua phải lập tức đặt tiền cọc.

Theo ông Chi, quy định này khiến các nhà đầu tư quan ngại sẽ mất vốn nên không mua cổ phần của doanh nghiệp. Bởi vì, ngay cả khi thị trường khởi sắc, nhà đầu tư có thể mất tiền đặt cọc nếu chậm hoặc không trả tiền theo giá sàn vào ngày đấu giá.

Phá sản là phương án phù hợp

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XI, đầu tháng 10.2011, với tiến trình ngày càng được cụ thể hóa, với các giải pháp cải cách được bổ sung và hoàn thiện, như sáp nhập, tái cấu trúc, giải thể, phá sản.

Theo chủ trương đó, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Vụ Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ đề xuất, đến năm 2020, số doanh nghiệp nhà nước từ 1.309 xuống 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn và khoảng 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Than, Khoáng sản (TKV) có thể không đảm bảo kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ trong năm nay do chưa xác định xong phương án sử dụng đất. Trong khi đó, phần lớn dự án trong 12 dự án thua lỗ lớn của ngành Công thương chưa xử lý xong, thậm chí có dự án bán ra nhưng không có người mua.

Co phan hoa: Nut that lon tu dat dai

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính, tại tọa đàm hôm 18.9, cho biết, một vài dự án khôi phục được kinh doanh, dần giảm lỗ, nhưng vẫn có 3 dự án chưa xử lý được là Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng Nhà máy Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Trên thực tế, bán vốn nhà nước ở các dự án thua lỗ lớn là không dễ. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nói rằng “phá sản là phương án phù hợp”, tránh tình trạng mất thêm vốn nhà nước do cổ phần hóa doanh nghiệp kéo dài.

Những vấn đề đặt ra doanh nghiệp nhà nước rất gay gắt, khi khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ hầu hết những lợi thế, những ngành và lĩnh vực quan trọng, hiệu quả kinh doanh kém và nhiều rủi ro, nợ phải trả bình quân của doanh nghiệp ở mức cao, gấp 3,09 lần vốn sở hữu, trong khi chỉ số này của doanh nghiệp Việt Nam nói chung chỉ 2,1 lần.

Thêm nữa, dù chiếm tỉ lệ khiêm tốn chỉ 0,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nhưng nguồn vốn của khu vực này lại chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thậm cao hơn nguồn vốn của khu vực FDI, đang ở mức 18%.

Đang có nhiều việc phải làm một cách gấp rút để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020. Song, vấn đề quan trọng nhất, ông Tiến nói “cần đổi tư duy quản lý nguồn lực Nhà nước” và “truy trách nhiệm người đứng đầu”.