Cổ phần hóa, 105 người lao động Tổng công ty Dâu tơ tằm mất việc
Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Phương án Tái cơ cấu VISERI để chuyển thành công ty cổ phần. Theo đó, sau khi chuyển sang công ty cổ phần, VISERI tiếp tục sử dụng 416 lao động, 127 lao động dôi dư (chiếm hơn 23%) sẽ được giải quyết chế độ.
\Theo Phương án Tái cơ cấu VISERI, giá trị thực tế doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2011 của VISERI gần 327,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 122,8 tỷ đồng. Số vốn chủ sở hữu bị âm được chuyển giao cho Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC) thuộc Bộ Tài chính xử lý để làm trong sạch tình hình tài chính trước khi chuyển VISERI thành công ty cổ phần. Sau khi tình hình tài chính “sạch sẽ”, VISERI phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ và chuyển thành VISERI JSC.
VISERI JSC có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, DATC nắm 51% (được chuyển nợ thành vốn góp); người lao động trong doanh nghiệp nắm 5,5%; Công đoàn của VISERI JSC nắm 0,12% và bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 4.338.000 cổ phần, chiếm 43,38% vốn điều lệ.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, VISERI là một trong số ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro với số vốn chủ sở hữu bị âm 281 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2011).
Lỗ lũy kế của Công ty mẹ - VISERI tính đến đầu năm 2012 là 321 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 5 trong tổng số 9 công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ nhiều nhất. Số lỗ lũy kế của Công ty mẹ - VISERI còn lớn hơn tổng số lỗ lũy kế của Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (172 tỷ đồng), Công ty mẹ - Tổng công ty Trường Sơn (66 tỷ đồng), Công ty mẹ - Vinatea (27 tỷ đồng) và Công ty mẹ - VEC (500 triệu đồng).
Nguồn Báo Đầu tư