Có phải mắc ca trồng chơi, ăn thật?
Thời gian gần đây, ở các tỉnh Tây Nguyên đang rộ lên phong trào trồng cây mắc ca thay thế cho một số loại cây trồng khác. Chưa ai biết loại cây mới du nhập vào Việt Nam này có giá trị kinh tế như thế nào? Sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai? Và, khí hậu thổ nhưỡng ra sao để khi mở rộng diện tích, mắc ca sẽ cho nhiều hoa, trái? Chỉ biết rằng, từ khi được một số doanh nghiệp nhân giống mắc ca trên địa bàn tổ chức chiến dịch quáng bá; cộng thêm được một vài tờ báo đồn thổi, thông tin phiến diện hoặc thiếu kiểm chứng, cây mắc ca bỗng dưng biến thành “cây nữ hoàng tỷ đô”.
Chính vì thế, phong trào trồng mắc ca ở Tây Nguyên nóng dần lên và đang bùng phát như cơn sốt.
Ông Trần Xuân Vịnh ở xã Đắc H’ring, huyện Đắc Hà là nông dân tiêu biểu của tỉnh Kon Tum. Cách đây 6 năm, cây mắc ca với ông là một cái tên lạ hoắc, nhưng ông vẫn mạnh dạn tìm mua 20 cây giống từ Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, ở Ba Vì, Hà Nội về trồng thử. Chưa biết cách thức trồng như thế nào nên ông Vịnh chỉ trồng thành hàng theo lối vào trang trại như hàng rào cây cảnh. Những cây mắc ca đó giờ đã cao lớn, cành lá sum suê, hoa quả chi chít.
Ông Vịnh cho biết, mắc ca không kén đất, ít sâu bệnh và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Sau 4 năm cây đã ra quả bói. Năm ngoái, bình quân mỗi cây thu được 15 kg hạt. Theo ông, lúc đầu chỉ trồng chơi nhưng giờ lại được ăn thật khi giá mắc ca tăng vèo vèo từ 50.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg.
Vốn là người nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, ông Vịnh không bỏ lỡ cơ hội này nên đang mở rộng diện tích mắc ca, bằng cách tự lấy hạt của vườn nhà để ươm cây giống. Hiện, ông đã ươm được 2.000 cây mắc ca để trồng xen với cà phê trong trang trại gia đình.
Tại tỉnh Đắc Lắc cách đây 10 năm, ông Nguyễn Văn Cúc ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng cũng đã “liều mình” trồng 300 cây mắc ca xen giữa 3 ha cà phê. 5 năm sau đó, những cây to khỏe đã cho lứa quả đầu và đến nay toàn bộ đã cho thu hoạch ổn định.
Năm ngoái, ông Cúc thu được hơn 4 tấn hạt, giá bán mỗi tấn từ 160 đến 180 triệu đồng. Ông cho rằng, mắc ca ăn bám đất của vườn cà phê, nhưng lợi nhuận so với cà phê thì nhiều gấp bội.
Thấy ông Cúc ăn nên làm ra từ loại cây trồng mới này, nhiều người dân trong vùng đã đua nhau mua giống về trồng thử. Vài năm gần đây, năm nào ông Cúc cũng ươm 3 đến 4 ngàn cây giống nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Năm nay, ông đã ươm tới 2 vạn cây và đang rình rang bán cho dân tứ xứ.
Không chỉ ở Krông Năng, mà tại huyện Ma đrắc, nơi có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu hơi giống miền xuôi vì giáp tỉnh Phú Yên, cây mắc ca cũng bước đầu thể hiện được sự sinh trưởng khá dễ tính.
Gần 9 ha mắc ca do Công ty cổ phần Vinamacca trồng thử nghiệm tại Nông trường 715B trên địa bàn huyện Ma đrắc, sau 4 năm hoa trái cũng trĩu cành. Tại 2 huyện Bảo Lâm và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, năm 2009 và 2010, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đức Anh cũng đưa mắc ca về cho nông dân trồng theo hình thức hỗ trợ một nửa giá cây giống với giá đổ đồng là 65.000 đồng/cây.
Hơn 300 ha mắc ca tại huyện Di Linh và 120 ha mắc ca tại huyện Bảo Lâm được trồng hồi đó, giờ đã thu hoạch được vài vụ. Hiện, giá một kg hạt mắc ca tươi được nông dân ở đây bán cho thương lái từ 180.000 – 220.000 đồng, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu làm hạt giống.
Riêng vườn mắc-ca hơn 10 năm của ông Nguyễn Đức Ba ở xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng hai năm gần đây, mỗi vụ ông thu hoạch khoảng 4 tấn quả tươi trên diện tích 7 sào. Với giá bán hạt giống bình quân 250.000 đồng/kg, giá bán loại hạt trên dưới 200.000 đồng/kg; nên theo ông, người ta gọi mắc ca là cây trồng một vốn, bốn lời là vậy.
Còn ở tỉnh Đắc Nông, vài năm nay mắc ca đã và đang được phát triển khá mạnh. Trong đó, riêng huyện biên giới Tuy Đức hiện có gần 400 ha, một số vườn cây trồng cách đây hơn 4 năm cũng đã cho quả bói.
Ông Trần Đình Mạnh, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, một trong những người đi tiên phong đưa mắc ca về trồng ở Tuy Đức cho rằng, mắc ca là cây chịu hạn, có những ưu thế phù hợp với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
“Đến nay, hầu hết số diện tích trồng đã có ra hoa kết quả rồi. Nhưng việc thống kê chưa có vì theo quy trình có thể năm thứ 7 mới có thể thống kê được, còn bây giờ mới được năm đầu nên chưa thể thống kê hiệu quả,” ông Mạnh chia sẻ.
Theo nhận định của một số nhà quản lý, sở dĩ mắc ca đang tạo ra cơn sốt là người dân chỉ mới nghe về loại cây này dễ trồng nhưng hiệu quả. Trong khi đó, hiện trên địa bàn ai có bao nhiêu hạt mắc ca cũng được thu mua hết bấy nhiêu. Thế nhưng, họ chưa biết nguồn cơn của thực tế đó là đầu ra của hạt mắc ca hiện nay chủ yếu là các công ty giống cây trồng, hoặc là chủ các vườn ươm trong khu vực chứ chưa có một ai mua mắc ca để xuất khẩu hay chế biến thành sản phẩm tiêu dùng.
Nắm bắt được nhu cầu cơn sốt cấy giống mắc ca, họ tung tiền mua hạt về ươm cây giống để bán. Người này tăng giá lên cao, người kia tăng cao hơn nữa, chưa kể các công ty cổ phần có thực lực mạnh sẵn sàng tung chiêu để mua hạt giống về ươm cây để bán.
Vì một kg giống mắc ca có khoảng 120-130 hạt, nếu giá bán từ 250.000 đồng thì mỗi hạt khoảng 2.000 đồng. Nhưng một cây giống hiện có giá bán tới 50.000 -90.000 đồng. Đúng là một nghề kinh doanh siêu lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá hạt mắc ca ở những vườn cây đã thu hoạch lên cao nhiều lần so với giá thực. Bởi thế, câu chuyện trồng mắc ca là trồng chơi, ăn thật được dư luận cho là đúng mà sai; vì sản lượng hạt mắc ca hiện nay ở Tây Nguyên chỉ mới đáp ứng một phần cho nhu cầu làm giống.
Chưa biết giá trị của mắc ca sau này sẽ ra sao, nhưng cơn sốt mắc ca ở Tây Nguyên hiện đang đưa đẩy nông dân chạy theo phong trào, với một kỳ vọng sẽ đổi đời khi mà hai loại cây chủ lực là cà phê đang cần vốn để tái canh, còn cao su thì ba bốn năm liền rớt giá thảm hại. Cơn sốt ấy, thực chất đang làm lợi cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, cung ứng giống mắc ca và kể cả một số ngân hàng cho vay thương mại.
Nguồn VOV