Có nên “khai tử” ban kiểm soát công ty?
Điều 148 Luật Doanh nghiệp sửa đổi (lần 5) quy định điều kiện các trường hợp nghị quyết, quyết định về nội dung: loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do điều lệ công ty quy định; tổ chức lại, giải thể công ty và các vấn đề khác do điều lệ công ty quy định – chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
Biểu quyết 51% - thiệt cho cổ đông nhỏ?
Còn lại, các nghị quyết, quyết định khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
Nếu điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên hội đồng quản trị hoặc thành viên ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ công ty.
Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc điều lệ công ty.
Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định. Quyết định của đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.
Vẫn còn rất nhiều ý kiến quan ngại điều luật này gây phương hại đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Vì cho dù đây đó vẫn xảy ra những hình ảnh cổ đông ngáp vặt, ngủ gật hoặc “tám chuyện” tại đại hội đồng cổ đông thì đa số cổ đông nhỏ vẫn rất mong muốn tham dự, phát biểu, đóng góp ý kiến xây dựng công ty. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp công ty cố tình gửi giấy mời chậm, sát giờ đại hội đồng cổ đông, hoặc “chơi khó” bằng cách để dành thời gian thảo luận rất ngắn, bố trí sẵn những người hỏi, chẳng đến lượt các cổ đông nhỏ “mở lời”.
Rồi không hiếm công ty chỉ gửi cổ đông nhỏ một vài tài liệu như thư mời, mẫu giấy ủy quyền. Khi đến cuộc họp, cổ đông mới được biết thêm một số tài liệu nhưng cũng không đầy đủ, hầu hết là báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, có được kiểm toán thì lại không có báo cáo kiểm toán, không có thuyết minh báo cáo đi kèm.
Rồi có trường hợp, tổ chức đại hội đồng cổ đông để thông qua các vấn đề trọng đại của doanh nghiệp như thay đổi thành viên hội đồng quản trị, tăng vốn điều lệ, hoặc đầu tư vào những dự án lớn... nhưng cố tình quên không gửi tài liệu chi tiết cho cổ đông nhỏ thì thử hỏi cổ đông nhỏ được quyền đóng góp ý kiến của mình với doanh nghiệp vào lúc nào? “Mở miệng” đã khó như vậy, để “tiếng nói nhỏ nhoi” đó được tiếp thu khó biết nhường nào.
Tuy nhiên, về phía Ban soạn thảo lại “biện minh” rằng, cách hiểu về tỷ lệ biểu quyết, quyết định vấn đề của đại hội đồng cổ đông nhằm bảo vệ cổ đông là chưa đúng, mà việc quyết định của đại hội đồng cổ đông khách quan, hiệu quả cho doanh nghiệp hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: thứ nhất, mức độ công khai hóa thông tin của doanh nghiệp; thứ hai, mức độ trách nhiệm người quản lý và thứ ba, mức độ dễ dàng khởi kiện người quản lý khi người quản lý vi phạm nghĩa vụ “trung thành, trung thực và cẩn trọng”.
“Khai tử” ban kiểm soát, nên chăng?
Trước ý kiến nên để cho doanh nghiệp tự lựa chọn mô hình đa hội đồng trong công ty cổ phần (với đầy đủ thành phần gồm chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và ban kiểm soát) hay mô hình đơn hội đồng (không có ban kiểm soát), nhiều ý kiến cho rằng dù có xảy ra tình trạng ban kiểm soát “bù nhìn” thì vẫn nên bắt buộc “có còn hơn không”. Công bằng mà nói, không ít ban kiểm soát cũng đóng góp cho công tác giám sát kinh doanh doanh nghiệp và minh bạch thông tin.
Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến xung quanh việc Điều 138 quy định có hơn một người đại diện theo pháp luật. “Giả sử, cả hai ông A và B đều là người đại diện theo pháp luật của Công ty X. Điều lệ của Công ty quy định hợp đồng dưới 2 tỷ thì tổng giám đốc có quyền ký, hợp đồng trên 2 tỷ phải được sự đồng ý của chủ tịch hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, nếu công ty cố tình “đánh tráo” người ký, khi làm ăn đổ vỡ thì đối tác rất dễ trở thành người bị hại vì công ty sẽ “vin” vào lý do người ký không đủ thẩm quyền (mặc dù cả hai đều là người đại diện theo pháp luật) để trốn tránh trách nhiệm” - một chuyên gia đặt vấn đề.
Nguồn Báo Phát luật