Lãi suất đang có xu hướng tăng. Ảnh: Quý Hòa
Có nên gửi tiết kiệm trong năm 2019?
Trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2019, ngoài các khuyến nghị về cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt còn khuyên nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản vào trái phiếu và tiền gửi ngân hàng trong bối cảnh lãi suất đang ngày một gia tăng.
Chị Ngọc, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, đã vừa thực hiện động thái gửi tiền tiết kiệm 6 tháng với lãi suất khá cạnh tranh từ một ngân hàng. Đây là một điều dễ hiểu, khi đa phần giới phân tích chứng khoán nhận định rằng, chứng khoán sẽ chỉ phục hồi trong nửa năm 2019. Vì vậy, quyết định gửi tiết kiệm không hẳn là một ý tưởng tồi cùng với nhận định: “Thị trường chứng khoán hiện giờ rất rủi ro”.
Theo Bank of America Merrill Lynch (BAML), nhà đầu tư trong năm 2019 sẽ không sẵn sàng đón nhận rủi ro từ cổ phiếu và trái phiếu.
BAML viết trong báo cáo dự báo năm 2019 The Big Low: "Tiền mặt là vua". BAML kỳ vọng nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đón nhận rủi ro hơn vào cuối mùa xuân và khởi đầu năm 2019 với phân bổ 50% vốn vào cổ phiếu, 25% vào trái phiếu và 25% tiền mặt.
Quay trở lại với thị trường Việt Nam. Hiện tại, mức lãi suất kì hạn từ 6 tháng trở lên của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ đều đạt từ 7%(/năm) trở lên. Đơn cử như ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt đạt mức 7,4%, và với kỳ hạn 7 tháng tới 11 tháng đạt 7,8%. Còn kỳ hạn dưới 6 tháng thì đa phần là gần hoặc ở mức kịch trần 5,5%.
Thực tế, trong năm 2019, có nhiều lý do khiến lãi suất tăng lên. Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, khiến các nước cũng sẽ phải nâng lãi suất theo để duy trì chênh lệch về lãi suất.
Trong báo cáo vĩ mô của mình, Bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng: “Năm 2019, định hướng chinh sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục mang tính thận trọng như trong nửa cuối năm 2018. Thông điệp xuyên suốt được đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất”.
Tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là kể từ 1.1.2019 trở đi sẽ giảm xuống còn 40%. Quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động của các NHTM tăng lên và làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các NHTM.
MBS nhận định: "Về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động cuối năm 2018 tăng nhẹ 0,1-0,3% tùy kỳ hạn và tùy NHTM so với cuối năm 2017". Xu hướng giảm mặt bằng lãi suất nhiều khả năng đã kết thúc khi áp lực lạm phát tăng lên tuy nhiên khả năng lãi suất tăng mạnh trong năm 2019 cũng không cao do thanh khoản hệ thống dồi dào và NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng.