Có nên bán vàng dự trữ để bình ổn ?
Việc mang vàng dự trữ quốc gia để kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới đang gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, nếu không cẩn trọng, có thể dẫn tới tài sản dự trữ của quốc gia sẽ bị hao hụt vì đầu cơ.
Lỗ... ai chịu trách nhiệm?
Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc lấy vàng dự trữ quốc gia để đấu giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thử hình dung kịch bản sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng ra để kéo giảm chênh lệch, thì tối cùng ngày giá vàng thế giới liên tục tăng cao? Giá tăng trở lại, mua thì lỗ, không mua thì mất dự trữ quốc gia, lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Chí cho rằng, nếu chúng ta lấy lý do là giá vàng trong nước đang cao, người dân bị thiệt, để xuất dự trữ quốc gia thì không hợp lý, bởi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế, không thể sử dụng như một công cụ "cứu tế" được. Nhất là khi nhu cầu mua vàng không chỉ ở người dân mà đến từ các NHTM chưa tất toán tài khoản vàng huy động, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dùng giải pháp khác như quản lý hoạt động đầu cơ hiện nay của các công ty kinh doanh vàng, thuế... Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đánh thuế nhập khẩu vàng 50% để hạn chế người dân mua vàng. Tại sao chúng ta không sử dụng công cụ thuế?
Cũng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) phân tích, nếu tất cả giới đầu tư, đầu cơ vàng cùng "đánh lên" (mua vàng dự trữ bình ổn, chờ giá tăng bán ra kiếm lợi) thì xuất bao nhiêu vàng dự trữ cho đủ để bình ổn? Trên thực tế, khả năng này là rất lớn bởi về dài hạn, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục hướng tăng.
Điều này đã được chứng minh. Nếu nhìn từ năm 2005 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng trung bình khoảng 40%/năm (đầu năm 2005 giá vàng thế giới là 442 USD/lượng, cuối năm 2012 là 1.656 USD/lượng).
"Tác hại lớn nhất của vàng là ảnh hưởng đến tỷ giá. Mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của chúng ta cũng là ổn định tỷ giá. Nhiều thập kỷ trước, do không kiểm soát được nên vàng luôn tác động đến tỷ giá. Đến nay, NHNN đã kiểm soát việc sản xuất vàng miếng SJC nên tỷ giá ổn định thì không có lý do gì phải mang vàng dự trữ ra để bán. Hơn nữa, vàng không phải là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế nên không thể, không nên dùng dự trữ quốc gia để thực hiện bình ổn" - ông Hải nói rõ quan điểm. Ông Hải cũng cho rằng, thay vì lấy vàng dự trữ, hãy sử dụng công cụ thuế để điều hành, quản lý thị trường vàng.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đặt vấn đề, vai trò của dự trữ quốc gia để giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của nhà nước... Bình ổn giá vàng không nằm trong tất cả các trường hợp trên nên việc xuất vàng dự trữ quốc gia là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, việc xuất dự trữ quốc gia không dùng cho việc lâu dài. Còn bình ổn giá vàng chắc chắn không thể thực hiện trong thời gian ngắn, không lẽ chúng ta cứ bán mãi?
Có rơi vào túi đầu cơ?
Điều đáng lo ngại hơn là bán vàng dự trữ quốc gia với mục tiêu bình ổn có thể bị đầu cơ. Theo quy định hiện hành, các NH bị khống chế trạng thái vàng không quá 2% vốn điều lệ nhưng các đơn vị kinh doanh vàng thì không hề bị ràng buộc bởi cơ chế này. Vì vậy, họ nắm giữ bao nhiêu, bán ra hay giữ nguyên, liệu có đầu cơ tích trữ để làm giá hay không, NHNN không thể biết được.
Đáng nói là, không ít công ty kinh doanh vàng đều có "bóng dáng" NH "mẹ" đứng đằng sau. Đơn cử như Công ty PNJ có NH Đông Á, SJC có NH Eximbank hay Doji có NH Tiên Phong... Với mối quan hệ này, họ có nguồn tài chính rất mạnh để thực hiện việc đầu cơ, tích trữ vàng nếu muốn và có cơ hội. Trường hợp họ dùng vốn vay từ NH để đầu cơ mua vàng đấu thầu từ dự trữ quốc gia, phán đoán giá lên và hạn chế bán ra thì làm sao NHNN quản lý được? Bởi chúng ta đều biết, tối đa hóa lợi nhuận là nguyên tắc kinh doanh của bất cứ công ty nào. Như vậy, xuất ra bao nhiêu vàng cũng không đủ để kéo giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới mà ngược lại, tài sản dự trữ có thể bị hao hụt.
Không phải nói đâu xa, tính từ thứ sáu tuần trước (ngày 1.3), ngày diễn ra phiên thử nghiệm đấu thầu theo NHNN tới nay thì giá vàng trong nước liên tục tăng trong khi giá thế giới giảm. "Khoảng cách bao nhiêu chưa tính nhưng khi thực hiện việc bình ổn thì ít nhất, xu hướng giá vàng trong nước và thế giới phải đồng điệu. Thế giới tăng thì ta tăng, thế giới giảm thì trong nước giảm. Thế mới gọi là bình ổn. Nhưng chúng ta thực hiện bình ổn thì giá vàng trong nước vẫn ngược hướng với thế giới. Ngược hướng là nỗi sợ và cũng là rủi ro lớn nhất của người kinh doanh, đầu tư cũng như người giữ vàng" - ông Trần Thanh Hải nói.
Bán rồi khi nào mua lại?
Một câu hỏi quan trọng là sau khi bán vàng dự trữ quốc gia, đến bao giờ NHNN sẽ mua vào?
Như đã nói trên, mục đích của đấu thầu bán vàng miếng là nhằm thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới. Chắc chắn, khi không bán, giá vàng trong nước lại gia tăng khoảng cách với giá thế giới. Lúc đó, lại bán để thu hẹp. Rồi ngưng, khoảng cách lại bị kéo giãn... Cứ như vậy, đến lúc nào NHNN mới mua được vàng trở lại?
Còn muốn tài sản quốc gia không bị hao hụt thì phải mua vào giá thấp hơn lúc bán. Muốn vậy, NHNN sẽ phải can thiệp bán ra đến mức giá vàng trong nước giảm thấp hơn giá thế giới. Làm được điều này, cần một nguồn lực khổng lồ và cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh xu hướng tăng của vàng thế giới. Còn nếu mua vào lúc giá tăng cao hơn, nguồn dự trữ sẽ bị hao hụt vì lỗ như phân tích trên.
Như vậy, thời điểm vàng quay lại kho dự trữ gần như chưa có câu trả lời.
(Theo TN)