Có không chuyện ngân hàng “chối bỏ” lợi nhuận?
Hồi tháng 2/2012, cộng đồng mạng dậy sóng trước đoạn clip về cảnh một ông bố Trung Quốc rèn con bằng cách bắt cởi trần chạy giữa trời tuyết. Những chỉ trích dồn vào ông bố nghiêm khắc đến khắc nghiệt…
So sánh có thể khập khiễng, nhưng câu chuyện trên có điểm gì đó gần gũi với một tình huống không loại trừ, khi nhìn vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh các ngân hàng thương mại hiện nay.
So sánh là chuyện nhỏ?
Đến lúc này, bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2014 cơ bản đã định hình. So sánh giữa các nhóm, giữa các thành viên là thường thấy.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, VietinBank và Vietcombank tương đối ổn định, BIDV nổi lên. Thế nhưng, khi trò chuyện bên lề với VnEconomy, một lãnh đạo trong khối này chỉ cười: “Chúng tôi không xem nặng so sánh đó”.
Bởi lẽ, con số lợi nhuận chỉ là tương đối, có thể theo ý chí chủ quan. Ví như, Vietcombank cân đong lại tổng lợi nhuận 10.233 tỷ đồng với khoảng 4.500 tỷ đồng trích lập dự phòng, sẽ có được kết quả “đẹp” hơn. Điều này, về lý thuyết và cơ chế hiện hành, có thể làm được.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, MB và Sacombank nỗ lực giữ ổn định mức độ lợi nhuận và ở top đầu; Techcombank tiếp tục hướng trở lại với mức tăng trưởng 61,35%.
Còn ở Eximbank, là một mức sụt giảm rất đáng chú ý.
Theo báo cáo tài chính, năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ được 69 tỷ đồng, giảm tới hơn 90% so với 2013, càng cách trở so với quy mô đạt được trên 4.000 tỷ đồng trước đây.
Dù vậy, nhiều hoạt động chính của Eximbank vẫn tăng trưởng tốt và có lãi đáng kể. Và cũng phải lưu ý rằng, một giá trị và điểm tựa lớn của ngân hàng này vẫn tiếp tục khẳng định là niềm tin của người gửi tiền - một phản ánh về uy tín và thương hiệu chứ không riêng vì lãi suất.
Vì sao lưu ý đến giá trị đó? Eximbank cũng như một số ngân hàng khác từng nhiều năm dựa đáng kể vào nguồn vốn vàng. Có năm, vốn vàng chiếm tới hơn 26% cơ cấu tổng vốn huy động.
Từ năm 2012 và đến 2013, vốn vàng bị loại trừ theo chính sách ngừng huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Xét về nguồn vốn, chân của Eximbank không bị hẫng khi hụt vốn vàng, thậm chí huy động vốn còn liên tục tăng trưởng cao. Riêng năm 2014, mức tăng trưởng lên tới 27,5%. Nếu không có được giá trị này, lợi nhuận của Eximbank có thể còn kém hơn nữa.
Nhưng, bước đầu lý giải trên báo chí, một lãnh đạo Eximbank nói đến một ý đáng chú ý: mức trích lập dự phòng sẽ quyết định con số lợi nhuận trước thuế cuối cùng; dự phòng bản chất là “của để dành cho tương lai”, nếu không dùng đến sẽ được hoàn nhập lại; tùy vào chiến lược của từng ngân hàng, mà mức trích lập này sẽ nhiều hay ít.
Năm 2014, Eximbank trích lập một lượng dự phòng đột biến, lên tới 869 tỷ đồng, gấp gần ba lần năm trước; nợ xấu cũng tăng mạnh từ 1,98% lên 2,46%.
“Chạy trần trong tuyết”
Trở lại với câu chuyện cậu bé trong tuyết, vì sao ông bố lại chối bỏ những cách rèn luyện thông thường, bớt khắc nghiệt hơn?
Câu hỏi tương tự, khi nhìn vào bức tranh lợi nhuận ngân hàng vừa công bố: nếu có tình huống ngân hàng “chối bỏ” lợi nhuận, khắc nghiệt với bản thân bằng việc dồn một bước trích lập dự phòng rất lớn mà không làm như cách thông thường ở nhiều ngân hàng khác thì nên nhìn nhận như thế nào?
Khắc nghiệt vì rõ ràng nó liên quan đến lương thưởng nhân viên, cổ tức cho cổ đông, đánh giá của nhà đầu tư và cả hình ảnh, vị thế của ngân hàng trên thị trường.
Không có gì đáng nói nếu ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro thông thường theo các mức quy định hiện hành. Vấn đề là quy mô trích lập hoàn toàn có thể thay đổi theo ý chí chủ quan, chiến lược hoặc ý đồ của những người quyết định.
Tình huống đặt ra: theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại được phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (theo Quyết định 780 và chuyển tiếp trong Thông tư 09). Một cấu phần theo cơ chế này không phải ghi nhận là nợ xấu, không phải trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều ngân hàng nắm lấy cơ hội từ cơ chế để bớt áp lực nợ xấu và bớt chi phí trích lập dự phòng, thì cũng có khả năng đâu đó là sự “chối bỏ”.
Họ kiên quyết ghi nhận đó là nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng triệt để và dĩ nhiên lợi nhuận trước mắt phải gạt đi. Họ chấp nhận “chạy trần trong tuyết” khi phải đối diện với áp lực lương thưởng, cổ tức, đánh giá của nhà đầu tư, hình ảnh trên thị trường…
Nhưng vì sao phải làm như vậy? Vì sao cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm thực hiện ba năm qua, nhưng đến nay mới dồn lại và chối bỏ nó?
Tình huống và những câu hỏi trên là không thừa khi nhìn vào bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay, nhất là đang trong “thời kỳ quá độ” của cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng.
Nếu thực hiện sự “chối bỏ” trên, các chủ thể có thể lý giải rằng ngân hàng đang quyết liệt để sạch sẽ hơn, chuẩn mực hơn. Điều đó cần cho phía trước là Thông tư 09 áp dụng đầy đủ, Thông tư 36 có hiệu lực, rồi cả lộ trình thực hiện Basel 2…
Còn nếu có một kế hoạch sáp nhập trong xu hướng đang mở rộng, thì dồn trích lập dự phòng cũng là của để dành cho một tương lai khác với hiện nay.
Vậy nên, những con số lợi nhuận trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng, có lẽ cũng chỉ nên nhìn nhận một cách tương đối.
Nguồn VnEconomy