TL
Cơ hội vàng từ tự do thương mại
Các thỏa thuận thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận với nhiều tham vọng mang tính quốc tế và các doanh nghiệp FIE nhận thấy các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Lấy ví dụ trường hợp của CPTPP. Đây là hiệp định thương mại đầy tham vọng và được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho tất cả 11 thành viên tham gia. Đối với Việt Nam, hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động trong lĩnh vực giày da, dệt may cũng như các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công khác là những doanh nghiệp có thể tận dụng được nhiều nhất các lợi thế đến từ các điều luật thương mại được cải thiện.
Ngoài việc nâng cao các chuẩn mực về môi trường và lao động, hiệp định này cũng giúp thúc đẩy các quy trình hải quan minh bạch và hiệu quả hơn, giúp việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các thị trường thành viên trở nên dễ dàng hơn.
Ngày nay, Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng trong các thị trường mới nổi. Xuất khẩu tương đương tổng GDP. Mọi thứ, từ đồ thể thao Nike đến smartphone Samsung, đều được sản xuất tại đây. Với việc dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường Việt Nam từ các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nhiều kể từ sau khi có các hiệp định thương mại, năng lực cơ sở hạ tầng sản xuất được dự báo sẽ được nâng cao nhằm tận dụng và đáp ứng được quy mô của nền kinh tế. Các hiệp định do đó có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích cho khu vực sản xuất của Việt Nam, đồng thời giúp tăng quy mô sản xuất về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ đó giúp thúc đẩy nâng cao năng suất.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tăng cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp cũng như các nhà sản xuất hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất mặt hàng điện tử lớn đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện trong nước. Các hiệp định thương mại đã và đang gửi những tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường mở và tự do thương mại. Bên cạnh đó, chúng cũng gửi những thông điệp mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về những lợi ích kinh tế mà một nước thành viên tham gia hiệp định có thể đạt được.
Sải bước ra bên ngoài
Để tận dụng hết các cơ hội này, các doanh nghiệp cần bắt đầu phát triển những chiến lược phù hợp với các hiệp định thương mại mới. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ về tầm ảnh hưởng của các hiệp định lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Họ có thể nhìn lại các mối quan hệ thương mại hiện tại để xác định các khoảng trống đầu tư cũng như để hiểu xem tiềm năng kinh doanh lớn nhất đến từ đâu để từ đó xây dựng các mối liên kết mới và mở rộng thâm nhập vào các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh.
Đánh giá hệ thống chuỗi cung ứng hiện tại hoạt động như thế nào dựa trên mối liên kết giữa các quốc gia thành viên của một hiệp định thương mại cụ thể cũng mang lại nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào bắt đầu tìm hiểu cặn kẽ về tầm ảnh hưởng của các hiệp định thương mại lên mô hình kinh doanh của họ sẽ gặt hái nhiều thành quả trong tương lai.
Sự am hiểu sâu rộng về các hiệp định cũng như những tác động liên quan đến thuế lên các nhóm sản phẩm và dịch vụ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá lại các chiến lược về giá của mình và duy trì được lợi thế cạnh tranh khi họ mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Tính đến tháng 8.2018, các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ và xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong tương lai khi chúng ta đi lên trong chuỗi giá trị. Việc áp dụng các chuẩn mực trong khu vực hay trên toàn cầu mang đến chất lượng tốt hơn cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường mới.
Công nghệ kỹ thuật số và internet đã làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận thị trường quốc tế. Trong quá khứ, các doanh nghiệp mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên để xây dựng quy mô, nền tảng và nguồn lực để có thể gia nhập thị trường trong khu vực và tiếp đến là thị trường toàn cầu.
Các công ty từ các thị trường mới nổi thường gặp phải nhiều trở ngại trên con đường này khi họ không đủ vốn để đầu tư và mở rộng. Tuy nhiên, với công nghệ kỹ thuât số và mạng internet, các công ty nhỏ tại các thị trường mới nổi có thể đẩy mạnh quy mô và tiến vào thị trường quốc tế một cách nhanh chóng nếu giải pháp của họ phù hợp. Họ cũng có khả năng nắm bắt được rất nhanh ai có thể là đối tác phù hợp với mình tại các thị trường khác nhau.
Điều này mang đến cơ hội thú vị cho các doanh nghiệp trong nước muốn tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại cùng với công nghệ để mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới.
Công thức thành công của FDI
Thị trường Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng với dòng vốn FDI ngày càng tăng. Tính đến 20.11.2018, Việt Nam có hơn 27.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 337,81 tỉ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng đã nhìn thấy tiềm năng to lớn tại thị trường này và Việt Nam, ở vai trò là thành viên của khối ASEAN, trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của họ.
Các doanh nghiệp quốc tế với chiến lược tham gia thị trường Việt Nam hoặc mở rộng hoạt động tại quốc gia này có thể đối mặt với một số thử thách nhất định liên quan đến khung pháp lý, khả năng đáp ứng các điều kiện thị trường, yếu tố văn hóa xã hội và khả năng am hiểu về nhu cầu tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần tạo sự gắn kết giữa thương hiệu của mình với người tiêu dùng có nền tảng văn hóa và kinh tế xã hội khác nhau, do đó họ cần thay đổi góc nhìn từ góc độ toàn cầu đến gần hơn với thị trường trong nước. Các sản phẩm và dịch vụ cần phải phù hợp và liên quan với người tiêu dùng nội địa. Do vậy, doanh nghiệp nào hiểu được văn hóa, thói quen tiêu dùng, xu hướng thị trường, khung pháp lý của nước sở tại sẽ có nhiều lợi thế.
Hiểu được tình hình kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng cũng như tình hình dịch chuyển lao động cũng sẽ giúp các doanh nghiệp FIE xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng không dễ chinh phục. Có nhiều doanh nghiệp FIE đã không thành công khi hoạt động tại thị trường Việt Nam một phần do họ tham gia thị trường với tâm thế đơn giản là áp dụng chiến lược thành công tại các thị trường khác vào thị trường Việt Nam. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả các vùng miền khác nhau cũng đã có nhiều yêu cầu khác nhau. Không có con đường tắt dẫn đến thành công. Chỉ có doanh nghiệp nào với cam kết hoạt động lâu dài mới có cơ hội để thành công.
Mặt khác, các doanh nghiệp đa quốc gia cũng cần tập trung cung cấp sản phẩm và dịch vụ được chuẩn hóa quốc tế và dễ dàng nhận biết tại các thị trường. Các sản phẩm và dịch vụ cần có chất lượng đồng nhất tại tất cả các thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng với chuẩn dịch vụ và chất lượng như nhau bất kể tại thị trường nào.
Để có thể hoạt động một cách hiệu quả và thực hiện chiến lược đầu tư của mình, các doanh nghiệp thường tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước. Chúng ta có thể thấy xu hướng mua bán sáp nhập diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp nước ngoài ước tính đã chi 7,64 tỉ USD để mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp có thể chọn một tổ chức tài chính có mạng lưới hoạt động tại các thị trường quốc tế đồng thời có sự am hiểu chuyên môn về thị trường nội địa để có thể hỗ trợ kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể cần lựa chọn một đối tác thực sự nắm bắt được các thông tin thị trường trong nước và có thể cung cấp đa dạng các loại dịch vụ.
(*) Tổng Giám đốc
Ngân hàng HSBC Việt Nam