Thứ Hai | 10/08/2015 13:00

Cơ hội từ FTA với Liên minh châu Âu

Trong năm 2014, EU là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.

Tuần đầu tháng 8 thực sự là khoảng thời gian nhiều biến động cho nền kinh tế trong nước. Trong khi hy vọng về việc kết thúc đàm phán của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tan biến vì vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên thì chỉ ít ngày sau, một cú hích mới cho nền kinh tế dường như đã xuất hiện. Đó là việc hiệp định thương mại giữa Việt Nam và  Liên minh châu Âu (EU) được thông báo đã hoàn thành cơ bản các nội dung đàm phán.

Tầm quan trọng của hiệp định này là không nhỏ. Trong năm 2014, EU là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc khi chiếm tới 10% tổng thương mại của Việt Nam với thế giới. Nếu xét riêng về xuất khẩu, EU chỉ kém chút ít so với Mỹ khi chiếm tới 18,6% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Nhờ “xuất nhiều, nhập vẫn còn ít” nên năm ngoái, Việt Nam ghi nhận khoản thặng dư thương mại tới 19 tỉ USD với EU, giúp cân bằng lại đáng kể với các khoản thâm hụt thương mại rất lớn từ Trung Quốc (29 tỉ USD), thậm chí từ Hàn Quốc(15 tỉ USD) – đối tác mà Việt Nam vừa ký hiệp định thương mại tự do gần đây.

Đáng chú ý, trong khối ASEAN, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất có hiệp định thương mại với EU. Điều này tạo động lực để nhà đầu tư từ các quốc gia khác trong khối tìm đến Việt Nam. “Chúng tôi muốn tìm đến Việt Nam đầu tư một phần vì muốn hưởng lợi xuất khẩu vào châu Âu nhờ thuế suất giảm xuống, điều mà ở Thái Lan không có”, đại diện của một doanh nghiệp Thái Lan trong đoàn tìm hiểu thị trường Việt Nam vào ngày 4.8 cho biết.

 Theo lý thuyết về lợi thế so sánh và lợi ích từ thương mại của nhà kinh tế sống vào thế kỷ 18 David Ricardo, bằng việc chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên; kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại. Lý thuyết này có thể sẽ thể hiện đúng đối với mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU khi phần lớn hàng hóa trao đổi với nhau là không cạnh tranh trực tiếp và chủ yếu dựa trên lợi thế sản xuất của từng khu vực.

Ví dụ, hàng hóa mà Việt Nam xuất vào EU tập trung ở các sản phẩm đơn giản, tận dụng nguồn lao động dồi dào như dệt may, giày dép, các sản phẩm nông sản, thủy sản, đồ gỗ, hàng điện tử lắp ráp. Trong khi đó, doanh nghiệp EU xuất vào Việt Nam các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như máy móc, xe hơi, máy bay, dược phẩm, thực phẩm chăn nuôi chất lượng cao.

Theo bà Cecilia Malstrom, Cao ủy Thương mại của EU, hiệp định với Việt Nam vượt trội so với các FTA mà EU đã ký với các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thương mại giữa các nước thành viên với khu vực Đông Nam Á nói chung. Hiệp định thương mại lần này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực không phải chịu thuế ngay khi áp dụng.

Nhìn chung, hai bên sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình. Đối với rất ít dòng thuế còn lại sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. 

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng: “ Với việc đạt được thỏa thuận này, EU và Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á. Với thương mại song phương tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa rồi để đạt hơn 36,8 tỉ USD năm ngoái, hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam được kỳ vọng đẩy con số này lên những nấc thang lớn hơn nhiều”. Nắm bắt được xu thế này, tháng 6 năm nay, HSBC đã điều chỉnh chiến lược hoạt động, trong đó sẽ đẩy mạnh đầu tư vào châu Á với trọng tâm là khối ASEAN. 

Co hoi tu FTA voi Lien minh chau Au
Cán cân thương mại của Việt Nam với EU

Nhưng sau khi hưng phấn qua đi, tâm lý cẩn trọng là điều nên có. Hiện FTA với EU chỉ mới xong phần nội dung đàm phán cơ bản và cần trải qua một số giai đoạn đáng kể nữa mới chính thức có hiệu lực. Điều này có thể mất rất nhiều thời gian.

Hiện hiệp định vẫn còn giải quyết các rào cản về mặt kỹ thuật, hoàn thành các văn bản luật lệ và phải nhận được sự chấp thuận của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Những điều đó có thể sẽ khiến hiệp định này chưa có hiệu lực cho đến năm 2017, thậm chí là đầu năm 2018, tạp chí Politico (Mỹ) nhận định.

Một khúc mắc vẫn chưa thống nhất được giữa hai bên là các điều khoản liên quan đến vấn đề bảo vệ các khoản đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, đó là sức ép cạnh tranh mới cho doanh nghiệp trong nước, bên cạnh những cơ hội tiếp cận thị trường mới. Theo đó, có thể sẽ có làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mới, như Thái Lan chẳng hạn, đến Việt Nam đầu tư và kinh doanh. Họ sẽ giành các nguồn lực sản xuất, thậm chí cả thị trường mà các doanh nghiệp nội nắm giữ và một cuộc chiến mới sẽ được hình thành. 

“FTA với EU là động lực để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, thu hút các dự án có giá trị đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải nỗ lực hết mức. Vì thách thức là không nhỏ nên bên cạnh vai trò Nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động chiến lược, học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam”, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói.

Sơn Nguyễn