Thứ Năm | 20/12/2012 06:30

Cơ hội nào cho nhà đầu tư chiến lược mới tại Bảo Việt?

Thị phần bảo hiểm Bảo Việt liên tục giảm trong 3 năm, Nhà nước nắm 74% vốn sẽ là thách thức với Sumitomo Life khi thành cổ đông chiến lược mới.
Bảo Việt liên tục sụt giảm thị phần trên thị trường bảo hiểm

Hãng bảo hiểm Sumitomo Life của Nhật Bản sẽ mua lại 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt từ HSBC, chính thức trở thành cổ đông tổ chức lớn thứ 3 tại tập đoàn bảo hiểm lớn nhất cả nước này.

Hiện đại diện các bên liên quan đều chưa có bình luận gì về thương vụ này và mọi thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ vào buổi công bố đối tác chiến lược mới của Bảo Việt tổ chức chiều nay (20/12), nhưng có thông tin cho biết, Sumitomo Life sẽ hỗ trợ Bảo Việt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Công ty Bảo hiểm Việt Nam - tiền thân của Tập đoàn Bảo Việt được thành lập vào năm 1965 với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là bảo hiểm phi nhân thọ. Tới nay, Tập đoàn Bảo Việt đã mở ra nhiều lĩnh vực kinh doanh mới như bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bất động sản. Với vốn điều lệ đạt 6.804 tỷ đồng, Bảo Việt có vốn hóa lớn thứ 7 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2009 tới nay, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp khó khăn, hoạt động của tập đoàn Bảo Việt cũng bị giảm sút.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2009, 2010 và 2011), 9 tháng đầu năm 2012, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục lỗ gần 150 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động ngân hàng và đầu tư tài chính cũng giảm, ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của Bảo Việt
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của Bảo Việt/GAFIN

Theo số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị phần trên thị trường bảo hiểm của Bảo Việt đã suy giảm từ năm 2008 trở lại đây, từ mức chiếm trên 30% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ cũng như nhân thọ, tới nay chỉ còn khoảng 25%.

Tính riêng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường, song khoảng cách với các công ty khác ngày càng thu hẹp. Thị phần đã liên tiếp giảm trong 4 năm, đến cuối năm 2011 chỉ còn chiếm 23,7% thị phần. Trong khi thị phần các công ty bảo hiểm trong nước với lĩnh vực phi nhận thọ liên tục giảm trong 4 năm gần đây, thị phần của các công ty bảo hiểm nước ngoài lại liên tục tăng (thể hiện ở phần khác) khi từ mức 14,04% năm 2005 tăng lên 35,16% năm 2011.

Nguồn: Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm/GAFIN
Nguồn: Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm/GAFIN

Với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt đứng ở vị trí thứ 2 sau Prudential và bỏ xa các công ty khác. Song, theo xu thế chung, thị phần doanh thu phí bảo hiểm mới lĩnh vực này của Bảo Việt giảm liên tiếp trong 2 năm, trong khi thị phần phí bảo hiểm các hợp đồng có hiệu lực giảm 3 năm liền.

Nguồn: Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm
Nguồn:
Nguồn: Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm/GAFIN

Cơ hội nào cho nhà đầu tư chiến lược mới?

Sau 5 năm gắn bó với Bảo Việt ở tư cách cổ đông chiến lược, HSBC sẽ nhượng lại vị trí này cho một đơn vị "có kinh nghiệm hơn" trong thị trường bảo hiểm, đó là Sumitomo Life.

Sumitomo Life là tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản với mảng phát triển mạnh là bảo hiểm nhân thọ. Chủ tịch tập đoàn Yoshio Sato cho biết, năm tài chính 2012, bên cạnh những nỗ lực để khai thác thị trường trong nước, Sumitomo Life sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường ở nước ngoài, đặc biệt tại các quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao ở châu Á.

Tại Trung Quốc, Sumitomo Life đã cùng đối tác là PICC Holding (sở hữu PICC Property & Casualty - đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Trung Quốc) thành lập công ty bảo hiểm PICC Life. Công ty này có chi nhánh tại hầu hết các vùng ở Trung Quốc và cuối năm 2011 chiếm khoảng 7,4% thị phần bảo hiểm nước này.

Sang Việt Nam, với sự hợp tác cùng Bảo Việt, Sumitomo Life có lẽ cũng hy vọng vào một tương lai tươi sáng như đã có ở thị trường Trung Quốc. Tập đoàn này cũng đã lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2011, nên có thể đã có những hiểu biết nhất định về thị trường bảo hiểm Việt Nam với dân số đông nhưng bảo hiểm còn chưa phát triển xứng với tiềm năng.

Số liệu của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho hay, năm 2011, phí bảo hiểm bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 535 nghìn đồng, chỉ bằng 2% thu nhập bình quân của người Việt Nam. Điều này cho thấy số người Việt Nam sử dụng bảo hiểm vẫn còn rất nhỏ, bởi đây vẫn chưa phải loại phí bắt buộc với người dân.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ năm 2011 là 14 đơn vị, bằng một nửa số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ lại bằng gần 80% doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.

Đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê chuẩn "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020". Trong đó, sẽ khuyến khích nhiều đối tượng tham gia thị trường bảo hiểm hơn và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tăng khả năng hội nhập quốc tế. Những giải pháp này có thể coi là biện pháp hỗ trợ với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Tuy nhiên, trở thành đối tác chiến lược của Bảo Việt, Sumitomo Life cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Tại tập đoàn này, cổ đông Nhà nước nắm tới 74% vốn, do vậy những quyết sách đưa ra sẽ phải thông qua nhóm cổ đông lớn này.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011 của Bảo Việt/GAFIN
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011 của Bảo Việt/GAFIN

Còn nhớ, HSBC sau khi đầu tư vào Bảo Việt 5 năm, hết thời gian hạn chế chuyển nhượng đã tính tới việc bán lại cho đối tác khác, mặc dù từng phát biểu sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo Việt lên 25% và đưa những lãnh đạo có kinh nghiệm về thị trường bảo hiểm vào HĐQT của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, Sumitomo Life cũng phải xem xét lại câu chuyện đầu tư đa ngành tại Bảo Việt, khi mà tập đoàn này tham gia tất cả các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng, trong khi hoạt động kinh doanh chính lại thu được kết quả không khả quan thời gian qua.

Với mức giá cho thương vụ này lên tới gần 360 triệu USD, tức bỏ ra 61.300 đồng để mua 1 cổ phần của Bảo Việt - một con số không hề nhỏ so với mức giá trên thị trường của tập đoàn này hiện nay (32.300 đồng/cổ phiếu), Sumitomo Life chắc sẽ phải có chiến lược kỹ càng và xem xét đối thủ là Prudential.

Được biết, tập đoàn này có kế hoạch cử các nhân viên tới Bảo Việt để hỗ trợ mở rộng hoạt động và cung cấp kỹ năng kinh doanh trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ, mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Ngoài ra, tình hình kinh tế chưa có nhiều khởi sắc cũng là một rào cản với thị trường bảo hiểm năm 2013 khi mà đầu tư công tiếp tục cắt giảm, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ nhích nhẹ lên 5,5%. Nhiều chuyên gia dự đoán, tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2013 chỉ dao động quanh mức 10% và là năm thứ 3 liên tiếp, thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng doanh thu thụt lùi.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 19.645 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ là 11.513 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ là 8.132 tỷ đồng; tương ứng tăng trưởng 13% và 10% so với cùng kỳ năm 2011.Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở cả hai khu vực đều giảm so với cùng kỳ 2011 (tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2011 của bảo hiểm phi nhân thọ là 28% và bảo hiểm nhân thọ là 16%). Nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng là do khó khăn trong việc khai thác hợp đồng mới do bất ổn kinh tế vĩ mô, Ủy ban Giám sát nhận xét.Dẫn số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, năm 2011, Việt Nam có 57 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gấp gần 3 lần so với 10 năm trước và 32 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài.Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chủ yếu chiếm ưu thế tại khối phi nhân thọ, với doanh thu phí bảo hiểm chiếm 91% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tỏ ra trội hơn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ khi chiếm 77,8% tổng doanh thu phí loại bảo hiểm này.

Nguồn Khampha


Sự kiện