Cơ hội lớn từ sàn giao dịch nông sản
Sau vài lần mua nông sản và trả tiền sòng phẳng, một doanh nghiệp của Trung Quốc đề nghị Công ty Thương mại Vân Phát xuất hàng qua cửa khẩu với số lượng lớn, gồm 25 tấn rau củ quả chia thành 4 chuyến xe tải vận chuyển. Nhưng khi một xe đã tới cửa khẩu Tân Thanh, một xe gần tới miền Trung, một xe vừa xuất phát và một xe đang chờ ở bến thì bất ngờ đối tác này gọi điện báo hàng không đạt chất lượng và trả mức giá rất rẻ.
Nhờ có sẵn xưởng chế biến nông sản, Công ty Vân Phát quyết định cho toàn bộ các xe quay trở về Tiền Giang và chấp nhận lỗ 320 triệu đồng tiền vận chuyển. “Còn doanh nghiệp nào yếu thế và không có xưởng chế biến, thì họ sẽ đành phải bán với giá rẻ bèo cho Trung Quốc”, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vân Phát, chia sẻ.
Vấn đề tương tự cũng diễn ra đối với nhiều mặt hàng khác của Việt Nam. Ví dụ, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến - Xuất nhập khẩu Thủy sản tỉnh Bà Rịa (Vũng Tàu), kể rằng có không ít doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp thu mua thủy sản tại Việt Nam rồi xuất khẩu tiểu ngạch, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất chính ngạch. Thậm chí, nhiều hộ nông dân còn mất trắng do bị thương lái xù tiền.
Thoát cảnh phụ thuộc
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, ông Mậu Nhân Lại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết tổ chức này sẽ sớm thành lập trung tâm giao dịch nông sản chính thức tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo ông Mậu, đây sẽ là một sàn giao dịch mua bán các loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và vật tư nông nghiệp (phân bón, máy móc) tại khu vực. Ngoài ra, sàn cũng có chức năng tập hợp đầy đủ thông tin cần thiết. Ðiều này sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước nhanh chóng tìm mua được sản phẩm như mong muốn, thay vì phải đi tìm từng nhà cung cấp như hiện nay.
Thực tế, do thiếu một đầu mối lớn nên thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc thường mua thông qua thương lái. Vì vậy, giá thành khó ổn định mà đôi lúc khiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp Trung Quốc với nông dân Việt Nam không tốt. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nhờ sàn giao dịch, nơi doanh nghiệp Trung Quốc và các hộ nông dân có thể biết rõ về đối tác trước khi quyết định giao dịch.
Cơ hội lớn
Sự xuất hiện của một trung tâm giao dịch chính thức cũng sẽ góp phần hiện thực hóa cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam, bởi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này ở Trung Quốc rất lớn. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng trưởng bình quân 15-20% mỗi năm, thuộc mức độ tăng trưởng tương đối cao. Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu.
Ông Lý Chấn Dân, Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, dự báo rằng trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 10.000 tỉ USD sản phẩm, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt 500 tỉ USD. “Ðây sẽ là cơ hội thương mại rất lớn cho doanh nghiệp vùng châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam”, ông cho biết.
Đồng quan điểm, ông Yang Kai Yong, Tổng Giám đốc Công ty Sepzone (một doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong Khu công nghiệp Linh Trung) bổ sung rằng do các doanh nghiệp Trung Quốc trước đây thường mua nông sản theo kiểu phân tán nên giá mua rất rẻ, bán ra ở Trung Quốc lại rất đắt. “Chính vì thế, sàn giao dịch này sẽ là một giải pháp góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại giữa hai nước, bởi thương lái sẽ phải mua đúng giá”, vị này nhận xét.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn với 1,3 tỉ dân, trong đó có khoảng 400 triệu người thường xuyên sử dụng mạng internet. Vì vậy, nếu lập sàn giao dịch điện tử thì khả năng tăng lượng hàng nông sản xuất khẩu là rất lớn. “Doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt cơ hội hiểu sâu thị trường Trung Quốc, rồi tìm kiếm đối tác hợp tác lâu dài”, Tham tán Lý Chấn Dân nhấn mạnh.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia có bề dày kinh nghiệm ở ngành nông nghiệp Việt Nam, tin rằng trung tâm giao dịch nông sản sắp ra mắt là một kế hoạch tốt. Theo ông, sàn giao dịch này nếu hoạt động hiệu quả thì sẽ đảm bảo đầu ra cho nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Nếu thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc chịu ra mặt giao dịch và kết nối trực tiếp, chắc chắn họ cũng mua để về tiêu thụ ở nước họ chứ không đem đi bán ở đâu. Trung tâm giao dịch này thành lập thì việc mua bán sẽ rõ ràng với giá cả ổn định”, Giáo sư nhận định.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, nếu mua bán qua trung tâm giao dịch, chất lượng nông - thủy sản như trái cây, tôm, cá của Việt Nam sẽ có động lực để cải thiện đáng kể. “Cùng giao dịch qua sàn, giá bán giống nhau nên chắc chắn nông dân nước ta sẽ chú ý đến việc bảo đảm chất lượng, hòng cạnh tranh và thu hút người mua”, ông nói thêm.
Ở góc độ sản xuất, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Tân (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) tin rằng khi có trung tâm giao dịch nông sản, hợp tác xã sẽ có pháp nhân để giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc thông qua đầu mối là trung tâm, từ đó giảm bớt thiệt thòi khi phải bán qua trung gian. Đồng thời, các nhà sản xuất còn có cơ hội nắm bắt thông tin về đối tác mua bán, thị trường tiêu thụ và giá cả, nhờ đó có thể điều chỉnh sản xuất phù hợp với cung cầu.
Thanh Hương