Cơ hội lớn của găng tay y tế
Thực tế, găng tay y tế chiếm khá nhiều trong viện phí, bởi đây là loại dụng cụ bắt buộc phải sử dụng trong thăm, khám và điều trị bệnh. Theo Bank Islam Malaysia Bhd, ước tính mỗi năm có trên 50 tỉ đôi găng tay được tiêu thụ trên khắp thế giới. Ngành công nghiệp găng tay thế giới tăng trưởng trung bình 10-12% hằng năm. Cùng với sự phát triển của găng tay y tế là các loại găng tay cao su phục vụ cho nhà xưởng sản xuất thủy hải sản...
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Malaysia là nước sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50-55% thị phần toàn cầu. Nhận thấy Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển do có chi phí sản xuất thấp và nguyên liệu sản xuất dồi dào, năm 2005, Tập đoàn APL Industries Bhd (APLI) của Malaysia đã lên kế hoạch xây dựng 9 nhà máy sản xuất găng tay tại Việt Nam trong 10 năm, mức đầu tư mỗi nhà máy hơn 10 triệu USD. Nhà máy sản xuất găng tay đầu tiên của APLI rộng 45 ha tại Khu Công nghiệp Gò Đậu, tỉnh Đồng Nai với công suất 1,73 tỉ chiếc/năm. Các nhà máy tại Việt Nam sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 20 tỉ chiếc găng tay các loại mỗi năm. APLI hiện có các nhà phân phối tại Mỹ, Canada, Brazil, Úc và Bỉ với hơn 2.000 đại lý.
Tham gia cuộc đua trong thị trường này, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Long cũng đầu tư thêm hệ thống dây chuyền sản xuất mới với vốn đầu tư 1,5 triệu USD, nhằm tăng công suất 10 triệu đôi găng tay/năm, bổ sung vào 3 dây chuyền sản xuất cũ với công suất 20 triệu đôi găng tay/năm. Hiện công ty này đang có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ 4 triệu đôi găng tay mỗi năm. “Nếu Hiệp định TPP được ký kết, bên cạnh một số quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khu vực ASEAN, chúng tôi có thêm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật và Mỹ”, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty, cho biết.
Đối với thị trường trong nước, Công ty hướng đến khách hàng là các nhà máy chế biến thủy hải sản. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất găng tay sử dụng trong gia đình để bán cho thị trường trong và ngoài nước. “Giai đoạn những năm 2006 trở về trước, nhà máy chỉ có một dây chuyền sản xuất với sản lượng trên 3 triệu đôi găng tay/năm. Năm 2008, Công ty đầu tư thêm một dây chuyền và đến nay đang lắp đặt thêm dây chuyền thứ 4. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chính với khoảng 30% sản lượng do có khí hậu lạnh, nhu cầu dùng găng tay khi làm việc nhà khá nhiều”, ông Long cho biết.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại phải nhập khẩu rất nhiều găng tay cao su từ nước ngoài. Năm 2006, Công ty VRG Khải Hoàn ra đời để đáp ứng nhu cầu của thị trường lớn này, đặc biệt là găng tay cao su y tế. Là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, VRG Khải Hoàn nhận được sự hậu thuẫn lớn để đẩy mạnh việc đầu tư và nâng cấp hệ thống. Lúc đầu, VRG Khải Hoàn có 12 dây chuyền sản xuất găng tay y tế, với công suất 1,2 tỉ chiếc găng tay/năm, với doanh thu 800 tỉ đồng/năm. Nhà máy thứ 2 có 16 dây chuyền sản xuất, năng lực sản xuất được nâng từ 1,2 tỉ chiếc găng tay lên 3 tỉ chiếc một năm. Hiện tại, sản phẩm chính của Công ty là găng tay cao su có bột và không bột với 2 chủng loại trơn và nhám. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm mới là găng tay cao su phẫu thuật tiệt trùng, cũng đang được phát triển để khai thác thị trường nội địa và thế giới. Hằng năm, Khải Hoàn xuất hơn 1,3 tỉ chiếc găng tay phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ, châu Phi và Mỹ La tinh...
Găng tay y tế cần đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là các thị trường khó tính. Ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty VRG Khải Hoàn, cho biết: “Tại 2 thị trường khó tính nhất là EU và Mỹ, Công ty cũng đã được CE Making (EU) và FDA 510K (Mỹ) cấp giấy nhập khẩu vĩnh viễn. Ngoài ra, tất cả sản phẩm cũng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nên chúng tôi cũng rộng đường tiêu thụ hơn”.
Theo Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, VRG Khải Hoàn mang về cho Tập đoàn lợi nhuận gần 39 tỉ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất găng tay cao su như VRG Khải Hoàn đang có nhiều lợi thế, đặc biệt là cuối năm nay, thị trường các quốc gia ASEAN sẽ thông thương, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có ngành sản xuất cao su giống nhau. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh ở Việt Nam vẫn cao hơn nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào và giá nhân công thấp hơn.
Đức Tài