Chủ Nhật | 23/11/2014 12:40

Cơ hội “giải oan” cho xuất khẩu tôm vào Mỹ

Nếu được thuế suất 0% trong 3 kỳ liên tiếp, tôm Việt Nam sẽ có cơ hội rút ra khỏi “cuộc chiến” chống bán phá giá khi xuất vào Mỹ.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa chính thức công bố phán quyết liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, trong số 11 nội dung khiếu nại của Việt Nam, Ban hội thẩm của WTO đã đưa ra phán quyết với 7 nội dung theo hướng có lợi cho Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.

Đặc biệt, theo Ban hội thẩm, sử dụng phương pháp quy về 0 (phương pháp zeroing) trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó, Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2012, căn cứ vào Hiệp định Thuế quan và thương mại (GATT 1994) trước đây và các điều khoản về CBPG của WTO hiện nay,Việt Nam nhận thấy việc Mỹ áp dụng biện pháp CBPG nhằm vào tôm đông lạnh của Việt Nam là không phù hợp, đã khiếu nại tới WTO.

Sau 2 năm nghiên cứu, Ban hội thẩm của WTO đã kết luận: Một số biện pháp của Mỹ không những đã vi phạm GATT 1994 mà còn trái với quy định của WTO về CBPG.

Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - trong kỳ xem xét hành chính (POR) lần thứ 2 và 3, doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0%.

Với phán quyết mới của WTO, Mỹ sẽ phải tính lại mức thuế trong lần rà soát POR thứ 4. “Nếu không áp dụng phương pháp zeroing, chắc chắn tôm Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng thuế suất 0%”- ông Hòe khẳng định.

Như vậy, với 3 kỳ liên tiếp được hưởng thuế suất 0%, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá và yêu cầu Mỹ phải xem xét lại kết quả của cuộc rà soát hoàng hôn năm 2010. Đây sẽ là luận điểm để Mỹ đưa ra tuyên bố Việt Nam không bán phá giá. Lúc đó, Việt Nam mới chấm dứt vụ kiện.

Về các bước đi tiếp theo, ông Hòe cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục kháng cáo tới Ban phúc thẩm của WTO nhằm có được phán quyết đầy đủ hơn. Bởi lẽ, WTO mới thông qua 7/11 nội dung khiếu nại của Việt Nam.

Mặt khác, theo nhận định của ông Hòe, khả năng cao Mỹ cũng sẽ kháng cáo. Bởi vậy,Việt Nam kháng cáo là việc hết sức cần thiết để tiếp tục đạt được những phán quyết có lợi cho ngành thủy sản trong nước. “Từ đó có thể giúp Việt Nam tham gia vào các hoạt động pháp lý thuận lợi và có kết quả tốt nhất trong quá trình rút ra khỏi vụ kiện”- ông Hòe chia sẻ.

Nguồn Báo Công thương