Cơ hội cuối cùng của GP.Bank
Trước khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua lại bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, cơ hội cuối cùng đã được mở ra đối với họ.
VNCB từng dự tính, đến 17h ngày 5/2/2015, các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài có thể vẫn góp vốn, qua đó bước đầu khắc phục được khó khăn chính và đảm bảo mức vốn pháp định.
Họ đã có ít nhất một tháng để nắm cơ hội cuối cùng đó. Tuy nhiên, ba ngày trước hạn cuối 17h ngày 5/2/2015, VNCB tổ chức đại hội đồng cổ đồng bất thường và Ngân hàng Nhà nước ra tuyên bố nói trên.
Có lẽ ba ngày còn lại đó không xuất hiện yếu tố thần kỳ, VNCB tự góp đủ vốn để tránh tình huống 0 đồng.
Còn với Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) hiện nay thì sao?
Ngày 27/2/2015, thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gợi mở: Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại GP.Bank, bước tiếp theo tương tự như với VNCB.
Giới quan sát hẳn bất ngờ, bởi ngay sau đó phía GP.Bank có thông tin với một vị thế khác.
Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank, trả lời trên báo chí rằng: “Thời gian vừa qua ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GPBank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.
“Phương án của chúng tôi cũng tuân thủ đúng theo chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, GP.Bank đã lựa chọn được các đối tác trong nước là các cá nhân và các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành. Với quyết tâm của các bên và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, tôi tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới”, ông Thắng đưa ra thông tin đáng chú ý.
Với thông tin trên từ lãnh đạo GP.Bank, họ đã nắm được cơ hội cuối cùng, “đã lựa chọn được các đối tác trong nước” và họ “đã quyết định đầu tư”. Với cơ hội này, liệu GP.Bank đã tránh được “tình huống 0 đồng” hay bị quốc hữu hóa; họ tiếp tục tái cơ cấu và nỗ lực trở lại?
Giữa các dòng chảy thông tin đó, liệu có sự không ăn nhịp giữa Ngân hàng Nhà nước với GP.Bank? Ngân hàng đã tìm được các nhà đầu tư, đã có quyết định đầu tư, trong khi nhà quản lý dự tính họ có thể là bước đi tiếp theo như VNCB.
Có hai khả năng đặt ra: một là GP.Bank đã có các nhà đầu tư mới để xử lý vấn đề vốn mà Ngân hàng Nhà nước chưa cập nhật hoặc chưa/không chấp thuận; hai là, dự kiến mua lại GP.Bank có thể gây bất lợi cho ngân hàng này.
Thứ nhất, nếu GP.Bank đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, thông tin có thể quốc hữu hóa sẽ khiến họ bất lợi trên bàn đàm phán, có thể bị ép giá.
Hai là, nếu GP.Bank đã đàm phán xong và các nhà đầu tư đã quyết định, khả năng quốc hữu hóa được đưa ra có thể khiến dư luận hoài nghi về chất lượng và nỗ lực của những khoản đầu tư mới vào GP.Bank.
Theo quy định hiện hành, thông tin tái cơ cấu ngân hàng thuộc diện công bố có điều kiện. Với những dòng chảy vừa qua, hiện có thể dự tính GP.Bank vẫn nỗ lực nắm lấy cơ hội cuối cùng để tự thân trở lại và có thể khẳng định mình trên thị trường.
Nếu cơ hội đó hiện thực, GP.Bank đã vượt qua khó khăn lớn nhất, dù hoạt động kinh doanh phía trước còn nhiều thử thách.
Trước mắt họ vẫn là một ngân hàng nhỏ. Nhưng nhỏ không có nghĩa là không có cơ hội phát triển. Thực tế hoạt động hệ thống những năm qua cho thấy có một số ngân hàng nhỏ vẫn làm ăn tốt và an toàn.
Cũng như các vận động viên, ứng với hạng cân của mình họ sẽ nâng các mức tạ phù hợp. Một sự quá sức trong cho vay, chệch kỹ thuật khi nâng đều có thể dẫn tới chấn thương.
Nguồn VnEconomy