Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Năm | 18/07/2019 09:00

Cơ hội cho Việt Nam thoát phận gia công

Thương chiến mang đến một vài cơ hội cho nền sản xuất của Việt Nam, nhưng sự phụ thuộc về nguyên vật liệu đang làm giảm đáng kể những cơ hội này.

Căng thẳng chính trị khiến Nhật hôm 4.7 đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc bao gồm photoresist (chất cản quang), hydrogen fluoride (chất ăn mòn dùng trong khắc thủy tinh) và fluorine polyimide (một loại nhựa nhiệt dẻo). Đây là những vật liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất bán dẫn, màn hình của các thiết bị điện tử của Samsung.

Samsung gặp “vạ gió”

Nhiều chuyên gia cho rằng, Samsung sẽ khó tìm kiếm nguồn cung thay thế trong bối cảnh thị trường bán dẫn (chip) phát triển chậm và Nhật đang nắm giữ tới 90% nguồn cung toàn cầu về fluorine polyimide và photoresist và 70% ở hydrogen fluoride. “Chúng tôi chưa thể bình luận. Hiện tại, Samsung đang đánh giá tình hình và xem xét một số biện pháp để giảm thiểu các tác động đến hoạt động sản xuất của Samsung tại Việt Nam”, đại diện Samsung Việt Nam nói với NCĐT về lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc của Nhật.

Tác động tiêu cực từ thị trường thế giới đã khiến lợi nhuận quý II/2019 của Samsung toàn cầu suy giảm, chỉ đạt 6.500 tỉ won (tương đương 5,5 tỉ USD), giảm 56% so với cùng kỳ năm 2018. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, cho rằng: “Samsung làm ăn khó khăn là bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam”. Nhận xét này là có cơ sở vì Samsung đã đầu tư rất lớn tại Việt Nam, dù mới chỉ một phần sản xuất, nhưng số vốn đến nay đã lên tới 17,4 tỉ USD.

Co hoi cho Viet Nam thoat phan gia cong
 

Lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc của Nhật cần độ trễ nhất định. Song một điều chắc chắn là Samsung sẽ không đứng nhìn hoạt động sản xuất bị dừng lại. Chủ động được nguồn nguyên vật liệu tại chỗ giúp Samsung giảm được giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận. Việc thúc đẩy Tập đoàn Hana Micron đầu tư dự án sản xuất chất bán dẫn quy mô 500 triệu USD vào Bắc Giang mới đây ghi nhận vai trò thúc đẩy từ phía Samsung Việt Nam.

Mặt khác, việc có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Samsung Việt Nam đến gần hơn mục tiêu 50 nhà cung ứng cấp 1 đến năm 2020 và nâng tỉ lệ nội địa hóa năm 2018 lên mức 59%.
 
Tìm chiến lược phù hợp

Khi bình luận về FDI tăng tại Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, chỉ nói ngắn gọn: “Việt Nam là thị trường dễ làm”.

Năm 2018 Nhật đã có số dự án đầu tư vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, với 630 dự án và tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 8 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Hironobu Kitagawa nói rằng việc nhập khẩu nguyên phụ liệu đang là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Co hoi cho Viet Nam thoat phan gia cong
 

Khảo sát của JETRO năm 2018 cho thấy tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư và linh kiện của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam là 36,3% và đang tăng lên sau mỗi năm suốt 10 năm qua, nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ nội địa hóa của Nhật tại Trung Quốc đạt 66% trong khi tại Thái Lan là 57%.

Ông Hironobu Kitagawa tin rằng Việt Nam có thể được thế giới công nhận có kỹ thuật sản xuất và chế tạo cao hơn, nếu xử lý được vấn đề nguồn nguyên liệu sản xuất. Muốn vậy, Việt Nam phải có các chính sách rõ ràng, phù hợp hơn với khả năng kỹ thuật của Việt Nam đang dần tăng lên. Cụ thể, Chính phủ phải xác định lĩnh vực cần tập trung, ô tô hay điện, bởi mỗi lĩnh vực công nghiệp có nguyên phụ liệu khác nhau. Kế đến, cần đặt ra mục tiêu về tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay vẫn tiếp tục nhập từ Thái Lan.

Việc chậm cải thiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, đầu vào của nền sản xuất, có thể dẫn đến những rủi ro kinh tế trong bối cảnh FDI vào Việt Nam tăng lên nhưng tăng trưởng xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đang chậm lại. Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, quý I/2019 tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI chỉ tăng 2,7%, đạt 41,46 tỉ USD kể cả dầu thô.

Co hoi cho Viet Nam thoat phan gia cong
 

Ông Hans Kerstens, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế của Khu công nghiệp Deep C, Hải Phòng, nhận xét Việt Nam chưa phải là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới dù không còn là điểm đến cho các nhà sản xuất giản đơn. “Tôi cũng đã nói chuyện với đại diện Apple vào tuần trước. Họ đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế Trung Quốc và Việt Nam là vị trí tốt, dù chưa phải hoàn hảo”, ông Hans Kerstens nói.

Theo quan sát của ông Hans Kerstens, đang có nhiều công ty tới Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với mong muốn trở thành đối tác của Samsung và những tập đoàn công nghệ khác. Ông cho biết: “Nhiều công ty mang dự án vào Việt Nam với số vốn rất lớn, số vốn trên mỗi mét vuông lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi chứng kiến trong quá khứ”.

Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi thực tế đang đòi hỏi sớm có một chiến lược phù hợp, cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi mô hình lắp ráp và gia công.