Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Năm | 01/09/2022 08:00

Có hay không rủi ro vỡ nợ của các công ty bất động sản?

“Chúng tôi không nhận thấy rủi ro khủng hoảng vỡ nợ trong các công ty bất động sản niêm yết trong ít nhất 12 tháng tới”, Công ty Chứng khoán VNDirect.

Đó là nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong một báo cáo về ngành bất động sản được công bố mới đây. VNDirect cho biết, họ nhận thấy cuộc khủng hoảng nợ bất động sản tại Trung Quốc đã làm dấy lên những mối lo ngại trên thị trường bất động sản tại châu Á. Nhiều nhà phát triển bất động sản tư nhân của Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức kép, khó khăn tái cơ cấu nợ và doanh số bán trước giảm mạnh. Bên cạnh đó người mua nhà cũng đang thiếu niềm tin vào các chủ đầu tư, từ đó dẫn đến các vấn đề vỡ nợ. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, người mua nhà Trung Quốc có xu hướng từ chối thanh toán khoản vay thế chấp, do các chủ đầu tư chậm trễ trong công tác xây dựng một số dự án.

phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh vào cuối quý II/2022, với tỉ lệ D/E trung bình chỉ 0,3-0,4x
Theo VNDirect, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh vào cuối quý II/2022, với tỉ lệ D/E trung bình chỉ 0,3-0,4x. 

“Chúng tôi tin rằng sự cải thiện về doanh số ký bán và dòng tiền hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022, có thể hỗ trợ cho các khoản nợ đáo hạn của các công ty bất động sản niêm yết tại Việt Nam ít nhất 12 tháng tới dù gặp thách thức tái cơ cấu nợ”, VNDriect nhận định. 

Ngoài ra, công ty chứng khoán này cho biết họ nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh vào cuối quý II/2022, với tỉ lệ D/E trung bình chỉ 0,3-0,4x và tỉ lệ tiền và tương đương tiền tương đối cao khoảng 15-20% tổng tài sản.

 

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang được kiểm soát tốt và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường giám sát dòng vốn tín dụng bất động sản trong vài năm qua. “Chúng tôi kỳ vọng Nghị định 153 sửa đổi sớm được ban hành giúp các doanh nghiệp tiếp cận lại với kênh trái phiếu, một kênh huy động vốn ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, VNDirect nhận định. 

Tuy nhiên, các chủ đầu tư bất động sản được dự báo có thể vẫn gặp thách thức trong việc huy động vốn khi kênh trái phiếu đang được kiểm soát chặt chẽ. 

Để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường, Bộ Tài chính đã rà soát khung pháp lý với các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, đặc biệt là phát hành riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm, không có tài sản đảm bảo. 

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản. Ngoài ra, Thông tư 22/2019/TT-Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022.

Có thể thấy, dù rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang ở mức thấp, nhưng việc huy động vốn của các doanh nghiệp này vẫn là thách thức trong thời gian tới. 

Có thể bạn quan tâm:

Siết tín dụng vay mua bất động sản: Quy định cần có tính thị trường