Hải Vân Thứ Ba | 09/06/2020 14:30

Có EVFTA, trái cây Việt vẫn khó "thoát Trung"

Trái cây Việt muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng việc mở thị trường mới gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Rồng Đỏ, một công ty có trụ sở ở TP.HCM, ngày 25.5 đã xuất khẩu lô quả vải đầu tiên đi Úc trong bối cảnh chính phủ nước này đang triển khai kế hoạch 3 bước nới lỏng các hạn chế di chuyển nội địa kéo dài tới tháng 7.2020. Mỗi năm, Úc tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải, theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Úc, nhưng tại thị trường này, Việt Nam đã đi sau Trung Quốc và Thái Lan. Chi phí vận chuyển cao giảm khả năng cạnh tranh của vải Việt Nam ở thị trường này.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương về diện tích trồng và xuất khẩu vải tươi của Trung Quốc, thị trường nhập khẩu từ 45-60% sản lượng vải của Việt Nam, đã làm dấy lên quan ngại thêm một lần quả vải cần “giải cứu” dù vụ thu hoạch mới chỉ bắt đầu hôm 20.5. Trung Quốc đã phát triển diện tích trồng vải năm 2020 lên khoảng 533.000 ha, đẩy sản lượng lên mức 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với năm 2019. Đáng chú ý ở vụ này, Trung Quốc đã thu hoạch sớm 15 ngày so với mọi năm, đẩy mạnh bán hàng các kênh thương mại điện tử. Trong khi đó, việc cấm xuất khẩu tiểu ngạch dự kiến sẽ làm giảm đáng kể lượng quả vải xuất đi từ Việt Nam.

Sản lượng quả vải của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh theo từng năm. Vụ này, tỉnh Bắc Giang ước tính sản lượng đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; Hải Dương cũng thông báo sản lượng khoảng 45.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so với vụ năm 2019.

 


Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thừa nhận COVID-19 làm tiêu thụ trái cây gặp khó khăn nhất định, nhưng kỳ vọng sẽ xuất khẩu được lô vải tươi đầu tiên sang Nhật trong năm nay.

Tuy nhiên, điều đó chỉ mang lại một ít phấn khởi cho nông dân vì đến nay, phía Nhật vẫn chưa xác nhận hoặc ký bất kỳ văn bản nào về việc ủy quyền cho phía Việt Nam giám sát kỹ thuật chất lượng quả vải nhập vào thị trường này. Phía Nhật cũng chưa chính thức chấp thuận 19 mã số vùng trồng trên diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn, ở 2 huyện Yên Thế và Lục Ngạn theo đề xuất của tỉnh Bắc Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

Nông dân trên cả nước đang bước vào vụ thu hoạch trái cây mới trong không khí ảm đạm dù ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã cận kề. Ở Yên Châu và Mộc Châu, những vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh Sơn La, người nông dân bị mắc kẹt với diện tích thu hoạch lớn. “Chúng tôi đã không nhận được đơn hàng nào cho năm nay”, ông Quàng Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tâm, một đơn vị chuyên trồng xoài xuất khẩu ở Yên Châu, cho biết. Đồng Tâm năm 2019 đã xuất khẩu hơn 40 tấn xoài sang thị trường Úc và Pháp.

Theo ông Sỹ, vụ xoài năm nay đã thu hoạch gần xong nhưng không xuất khẩu được do dịch bệnh. Nhiều nông dân ở Yên Châu và Mộc Châu buộc phải tiêu thụ trong nước với giá 12.000 đồng/kg, loại xoài được xuất khẩu sang châu Âu với giá 22.000 đồng/kg vào năm ngoái. Thế nhưng, một số hợp tác xã vẫn hy vọng có thể xuất khẩu đợt thu hoạch cuối nhằm bù lại chi phí đã bỏ ra. “Chúng tôi cố đợi đến hết dịch nhưng chưa biết có xuất được không”, ông Sỹ nói.

 


EVFTA, một cơ hội lớn để Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu trái cây nhưng nó đồng nghĩa với chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt hơn. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, EVFTA không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... thậm chí còn khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhập khẩu vào thị trường này chặt chẽ hơn sau khi giảm thuế.

Đối với mảng xuất khẩu trái cây, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu nhưng cần xét đến năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhận xét: “Về chất, trái cây Việt Nam không thua kém Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng lại yếu hơn về sản xuất, chế biến và quảng bá tiêu thụ”.

Thái Lan đã cách xa Việt Nam một khoảng dài về việc nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp, chú trọng khâu chế biến trái cây, đa dạng hóa sản phẩm với thời gian bảo quản lâu hơn nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu.

Việt Nam đang tìm kiếm những thị trường xuất khẩu trái cây mới nhưng gần như bỏ qua Ấn Độ, thị trường có quy mô tương đương Trung Quốc. “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại Ấn Độ vào tháng 10.2018, tôi đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo các bộ ngành liên quan và đưa vào nội dung làm việc cấp cao. Tuy nhiên, kết quả cho tới nay là rất thất vọng”, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ với NCĐT. 

“Thị trường Ấn Độ còn tương đối dễ tính, với các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cao, doanh nghiệp Việt hãy coi đây là cơ hội”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói. Theo ông, vấn đề mấu chốt là Bộ Nông nghiệp hai nước cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục mở cửa cho một số loại trái cây. Với Ấn Độ, đề nghị mở cửa cho 5 loại trái cây của Việt Nam gồm vải, nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm. Tất nhiên, Việt Nam cũng cần xem xét mở cửa cho Ấn Độ trái lựu và nho