Hoàng Hạnh Thứ Ba | 26/02/2019 14:00

Có đủ lực để tiếp nhận dòng FDI mới?

Khi dòng FDI thế hệ mới gõ cửa, Việt Nam làm gì để đủ lực sẵn sàng tiếp nhận?

Sau tròn 30 năm, cả mặt phải và mặt trái của tấm thảm đỏ chào đón dòng vốn đầu tư từ nước ngoài FDI đã được bàn luận thẳng thắn trên cả những diễn đàn cấp cao nhất. Dẫu rằng chiếc áo đang khoác lên nền kinh tế đã to rộng hơn, hay tốc độ tăng trưởng cao GDP của Việt Nam trong nhiều năm được nhiều nhà đầu tư thán phục, nhưng sự tự hài lòng với kỳ tích của chính mình đã tới hạn. Dưới lớp vỏ hào nhoáng của những Samsung, Formosa, Toyota... là một sự thật rõ ràng: chúng ta đang quẩn quanh với phận... gia công.

Thay đổi là tất yếu và lựa chọn của Việt Nam đã rất rõ ràng: dòng FDI mới phải là công nghệ cao và nền kinh tế nhận được giá trị gia tăng cao. Bối cảnh mới cũng đã làm nảy sinh những hình thức và phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới, điển hình là mua bán và sáp nhập (M&A); hay hình thức đầu tư qua biên giới không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM) cũng đã được thực hiện ở Việt Nam, sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng quan trọng đối với thu hút FDI.

Co du luc de tiep nhan dong FDI moi?
 

Hẳn nhiên, sẽ không lặp lại kịch bản vỏ công nghệ cao nhưng ruột là lắp ráp và xuất khẩu hộ. Chắn chắn, mục tiêu của chúng ta không chỉ là thoát bẫy thu nhập trung bình mà còn là sự hội nhập tự tin của nền sản xuất Việt Nam với các chuẩn mực của thế giới. Trong bài toán win - win, phần của Việt Nam nhận được phải là những giá trị căn cơ hơn, để môi trường kinh doanh Việt Nam là đất lành cho những người xứng đáng và cả doanh nghiệp Việt có sức phát triển song hành.

Nhưng trăn trở về thực trạng ngoài cách thức ưu đãi đến mức vô tiền khoáng hậu, Việt Nam tìm gì để mời chào các đại gia FDI có thứ hạng đang chưa tìm được lời đáp hoàn hảo. Về nhân lực, liên tiếp nhiều năm Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) hay World Bank giữ nguyên nhận định: lao động Việt thiếu kỹ năng trong các công việc đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn cao hoặc các vị trí quản lý cấp trung trở lên. Thách thức lớn hơn mà nền kinh tế đang đối mặt là nền tảng công nghệ.

Cuộc vận động cho phép nhập thép phế liệu làm nguyên liệu cho ngành thép hay tấm gương xấu từ dự án Gang thép Thái Nguyên 2 cho thấy, ngành luyện kim của Việt Nam vẫn đang đi những bước chập chững, thậm chí là thụt lùi. Kể cả khi lạc quan nhất, chúng ta vẫn biết rằng, chúng ta đã làm ốc vít cho điện thoại hay trục khuỷu trong công nghiệp ô tô, vỏ tàu thủy trong công nghiệp đóng tàu... thì năng lực làm các sản phẩm này của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp.

Về nông nghiệp, sự phụ thuộc trong nguồn cung giống, phân bón và những chệch choạc trong việc chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ, lẻ tẻ sang tập trung, sản lượng lớn cho thấy, khi những nhiệm vụ thông thường chưa hoàn tất, việc bắt kịp trình độ sản xuất công nghệ cao là rất khó. Chỉ còn 10 năm để cán đích công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà nền kinh tế vẫn đang loay hoay làm chủ những công nghệ cơ bản, khó trách được nhà đầu tư nước ngoài chỉ nhắm chúng ta cho việc lắp ráp hay lao động chân tay.

Hiện tại, chúng ta phải đối diện với một bài toán tổng thể khó khăn. Trao đổi với NCĐT, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, gợi ý, những người đứng mũi chịu sào trong vấn đề đầu tư nước ngoài, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương phải hành động đầu tiên.

Cụ thể, phải đưa ra được một danh sách cụ thể gồm những ngành Việt Nam ưu tiên đầu tư, những nhà đầu tư uy tín của lĩnh vực đó và những ngành doanh nghiệp ngoại muốn đầu tư phù hợp với nhu cầu, có sức lan tỏa tới các doanh nghiệp của Việt Nam. Căn cứ vào đó, chuẩn bị về nhân lực, tài chính, hạ tầng kỹ thuật... và cả phương án phối hợp giữa phía Việt Nam với các nhà đầu tư để có cách thức tốt nhất đáp ứng các yêu cầu này.

Co du luc de tiep nhan dong FDI moi?
 

Bên cạnh đó, theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi các phương thức đầu tư mới ngày càng gia tăng và chứng minh được tầm quan trọng tại Việt Nam, thì Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách và luật pháp để điều chỉnh có hiệu quả các hiện tượng mới trong đầu tư nước ngoài.

Có như vậy, khi dòng FDI thế hệ mới gõ cửa, Việt Nam mới đủ lực sẵn sàng tiếp nhận, để thảm đỏ chào đón những người bạn của nền kinh tế Việt Nam sẽ mang lại vinh dự, danh tiếng và sự thịnh vượng cho nước chủ nhà.