Ảnh: Bá Ước
Cổ đông Coteccons mâu thuẫn về việc sáp nhập Riccons
Năm 2019, CTD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 27.000 tỉ đồng, và lợi nhuận 1.300 lần lượt giảm 5% và 14% so với thực hiện năm 2018.
Tại ĐHCĐ năm 2019, một trong những tâm điểm là việc sáp nhập Ricons vào CTD. Công ty này có vốn điều lệ là 305 tỉ đồng, và CTD đang sở hữu 14,87% vốn điều lệ tại Ricons. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, CTD sẽ sở hữu 100% Ricons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp CTD tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn.
Trong một động thái bất ngờ, ngày 8/4, cổ đông lớn nhất của CTD là Kustocem (nắm giữ 17,75% cổ phần của công ty) đã lên tiếng không đồng tình với nội dung quan trọng sẽ thảo luận tại Đại hội Cổ đông 2019 là phát hành cổ phiếu để nhận sáp nhập Ricons vào CTD. Đại diện Kustocem nhận định lợi ích của việc sáp nhập này là không rõ ràng. Kustocem cho rằng việc sử dụng cổ phiếu của Coteccons để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý và công ty nên tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Trước đó, trong ĐHCĐ năm 2018, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của CTD, cũng đã nói về vấn đề này: “Tôi đồng ý sáp nhập Riccons vào CTD nhưng liệu cổ đông lớn có đồng ý hay không?”.
Năm nay, vấn đề sáp nhập Riccons đã lại được đưa ra thảo luận. Trong đại hội cổ đồng cổ đông lần này, CTD đã mời đại diện của hãng tư vấn kiểm toán PWC đã đưa ra một số phân tích về việc sáp nhập Riccons vào CTD.
Dưới góc nhìn của PWC, tăng trưởng doanh thu của CTD đang chậm lại, từ mức 79% vào năm 2015, 31% của năm 2017 và năm 2018 chỉ đạt 5%. Ngoài ra, CTD còn thiếu độ bao phủ thị trường, CTD hiện chỉ tập trung vào các dự án lớn với quy mô trên 1.000 tỉ đồng và ít tập trung vào các phân khúc phổ thông và trung cấp.
Trong khi đó, Riccons lại là một ngôi sao đang lên trong phân khúc cấp trung và phổ thông. Năm 2019, Riccons xếp hạng 6 trong top 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất việt nam. Tăng trưởng doanh thu bình quân của công ty đạt 49% trong 4 năm qua.
Vì thế PWC cho rằng việc sáp nhập này sẽ giúp CTD gia tăng thị phần, giúp củng cố vị trí nhà thầu hàng đầu trong ngành, với quy môi gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh lớn thứ 2. Mở ra cơ hội thị trường ở phân khúc phổ thông và trung cấp, gia tăng năng lực đấu thầu trong các siêu dự án.
Về phía các cổ đông, PWC cũng nêu một thực tế là sau khi CTD sáp nhập với Unicons thì giá cổ phiếu luôn tăng trưởng hơn mức tăng trưởng của VN-Index.
PWC còn dẫn ví dụ về việc sáp nhập giữa Hyundai Engineering và Hyundai Amco, một công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật và xây dựng dân dụng tại Hàn Quốc vào ngày 1.4.2014, nhằm mục đích mở rộng sang lĩnh vực dân dụng. PWC cho biết, sau sáp nhập tốc độ tăng trưởng doanh thu kép CARG từ 2,8% lên 8,1%. Tỷ suất lợi nhuận hộp cũng tăng từ 7-9% lên 10-17%.
Quá trình sáp nhập theo đề xuất của PWC sẽ được thực hiện từ tháng 5-6.2019 (nếu cổ đông CTD thông qua nội dung liên quan tại đại hội lần này) và hoàn tất giao dịch vào tháng 5.2020.
Trong phần hỏi đáp, một cổ đông đặt ra câu hỏi là cổ đông Kusto có ý định gì khi đưa ra ý kiến phản đối việc sáp nhập ngay trước đại hội, và ảnh hưởng tới cổ đông nhỏ.
Ông Andy Ho, đại diện cho cổ đông Vina Capital, nhận định các công ty Việt Nam có quy mô lớn hơn thì thường có vị thế tốt hơn ở thị trường Việt Nam và mở rộng ra các nước khác.
Đại diện cổ đông Thành Công nhận định: “Tất cả phương án nên để mở, việc sáp nhập Riccons vào CTD là một dự án lớn. Phần trình bày của PWC cũng chưa đầy đủ. Đây là một quá trình không thể thực hiện nhanh chóng”. Cổ đông Thành Công đề nghị chưa biểu quyết lần này. Trả lời vấn đề này, ông Dương nói rằng vấn đề này thì cũng đã đề cập 1 năm, chưa đi đến đâu và cần đi đến thống nhất.
Ông Dương đề nghị lấy ý kiến cổ đông về việc có nên bàn tới việc sáp nhập Riccons nữa hay không. Và kết quả là các cổ đông đã đồng ý bỏ nội dung này ra khỏi chương trình đại hội lần này.