Thứ Năm | 11/10/2012 08:44

Cổ đông có thể kiện người điều hành vì cổ phiếu bị hủy niêm yết

Trường hợp công ty bị hủy niêm yết, nếu cổ đông xác định là do lỗi của người điều hành và có thể xác định thiệt hại, thì có thể khởi kiện.
Với quy chế niêm yết hiện nay, có rất nhiều tình huống dẫn đến việc cơ quan quản lý buộc một công ty hủy niêm yết. Trong số đó, phổ biến là do công ty niêm yết có hoạt động sản xuất - kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu. Cũng có trường hợp hủy niêm yết do không công bố thông tin đầy đủ theo quy định như trường hợp Công ty cổ phần Sông Đà 3 ( SD3) gần đây.

Quyết định số 376/QĐ-SGDHN ngày 26/9/2012 của HNX đã buộc toàn bộ gần 16 triệu cổ phiếu SD3 bị hủy niêm yết kể từ ngày 26/10/2012. Lý do hủy niêm yết là SD3 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết. Quyết định không nói rõ SD3 đã không thực hiện nghĩa vụ công bố nào, nhưng nhìn vào những thông tin mà SD3 công bố qua HNX thì thấy, cho tới nay, SD3 mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý I/2012, còn báo cáo tài chính quý II và báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm đều không có.

Thời điểm tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2012, SD3 có xấp xỉ 2.500 cổ đông và hiện những cổ đông này không rõ cổ phiếu SD3 sẽ được giao dịch ở đâu và ai, cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương),hiện có Nghị định 102 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp dành quyền khởi kiện đối với chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc cho các cổ đồng/thành viên công ty.

Nhà đầu tư có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện những đối tượng này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của hội đồng thành viên; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty.

Khi khởi kiện yêu cầu bồi thường, một phần quan trọng là đương sự phải đưa ra được con số thiệt hại, cũng như căn cứ tính toán thiệt hại để Tòa án xem xét. Do đó, theo ông Hiếu, nhà đầu tư có thể xác định thiệt hại căn cứ vào giảm giá chứng khoán, tức giá cổ phiếu trước và sau khi có quyết định hủy niêm yết của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, có thể còn một số thiệt hại khác như mất uy tín của công ty chẳng hạn. Trong trường hợp này, nếu bị Tòa án buộc phải bồi thường, cá nhân chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc sẽ phải lấy tài sản cá nhân để thực hiện nghĩa vụ.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện