Cổ đông chứng khoán Âu Việt thông qua việc giải thể
Theo Vietstock, số lượng cổ đông tham dự Đại hội gồm 34 người, đại diện cho gần 90% cổ phần có quyền biểu quyết. Hầu hết cổ phần của chứng khoán Âu Việt do Hội đồng quản trị nắm giữ.
Toàn bộ cổ đông có mặt tại Đại hội đều biểu quyết thông qua các nội dung liên quan đến việc thanh lý tài sản hủy niêm yết cổ phiếu và giải thể công ty.
Sau Đại hội này, ông Đoàn Đức Vịnh được cổ đông cho phép được kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc thực hiện các vấn đề liên quan đến việc giải thể công ty.
Trả lời cổ đông về danh mục cổ phiếu AVS còn lại đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVS cho biết, hiện công ty có 19 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, chủ yếu là cổ phiếu VRC, ngoài ra còn có PVC, ACL, PVS… Cổ phiếu chưa niêm yết trị giá 11,5 tỷ đồng, trong đó có khoản đầu tư lớn tại Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank).
Ông Vịnh cũng cho biết thêm, với tổng tài sản còn lại, mỗi cổ phần thường sẽ được chia khoảng gần 6.000 đồng (chưa trừ các khoản khác).
Theo tài liệu báo cáo Đại hội của HĐQT, trong năm 2012, Ban quản trị đã hội ý nhiều lần trong nội bộ cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời nói chuyện trực tiếp với một số chuyên gia tài chính quốc gia khác đến từ Ấn Độ, Nhật Bản. Trong đó có một chuyên gia tư vấn Hà Lan đã đến trực tiếp.
Các chuyên gia cùng chung một khuyến cáo rằng môi trường chứng khoán sẽ không tạo cơ hội phát triển về môi giới cho AVS (thậm chí nhiều rủi ro, vì thời điểm 2010 – 2011, mức độ cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam quá cao, các công ty chứng khoán để kéo khách hàng đã triển khai nhiều dịch vụ rủi ro cao như “đòn bẩy – margin hoặc cạnh tranh không lành mạnh) và AVS với bất lợi là người đi sau cũng sẽ không thể tham gia cuộc chạy đua này một cách an toàn.
Cũng theo đó, HĐQT đã xin chấm dứt tư cách thành viên tại hai Sở Giao dịch chứng khoán cũng như Trung tâm Lưu ký.
Về định hướng kinh tế năm 2013, HĐQT của AVS cho rằng, 2013 là năm rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường ngày càng khắc nghiệt và kinh tế vĩ mô biến động khó lường, nên HĐQT quyết định xin ý kiến cổ đông thanh lý tài sản, giải thể công ty theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Để đi đến giải thể, công ty sẽ xin rút các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tư vấn đầu tư và chỉ giữ lại nghiệp vụ tự doanh nhằm giải quyết danh mục cổ phiếu còn tồn đọng. Sau đó tiến đến hủy niêm yết cổ phiếu. Xây dựng chính sách giải quyết chế độ cho cán bộ CNV khi công ty cơ cấu lại nhân sự để chấm dứt hoạt động kinh doanh tiến đến giải thể công ty.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các thủ tục giải thể công ty sẽ mất nhiều thời gian, do đó hoạt động kinh doanh của công ty vẫn được tiếp tục và HĐQT căn cứ trên mức lãi suất huy động (dự kiến) là 8%, sau khi trừ chi phí mặt bằng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác, AVS có thể đạt lợi nhuận 8 tỷ đồng trong năm 2013.
Nguồn Vietstock