Cổ đông chất vấn MB về khoản nợ 80 tỷ đồng ở công ty cà phê Trường Ngân
Trong phần thảo luận, cổ đông đặc biệt quan tâm tới các vấn đề như cổ tức, tăng vốn điều lệ, đầu tư cho công ty con, nợ xấu và bầu cử nhiệm kỳ mới 2014 - 2019.
Theo một cổ đông lâu năm của ngân hàng (cổ đông từ năm 2000), hồi tháng 12 năm ngoái các phương tiện truyền thông đã đưa tin liên tục về vụ công ty cà phê Trường Ngân lừa đảo các ngân hàng, trong đó có MB bị 80 tỷ đồng.
"Chúng tôi muốn biết liệu trong HĐQT, BKS nhiệm kỳ vừa rồi cũng như nhiệm kỳ mới có ai dính vào vụ này hay không, ai chịu trách nhiệm, vụ việc hiện nay xử lý thế nào rồi?", cổ đông yêu cầu lãnh đạo ngân hàng trả lời.
Đại diện chủ tọa đoàn, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB cho biết, đúng là MB có dư nợ 80 tỷ đồng tại công ty này. Khi cho vay như vậy, MB đã xác định có tài sản thế chấp, riêng cà phê là hơn 600 tấn.
"Hiện nay MB đã phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn, công an để rút số cà phê này ra bán, tuy nhiên Trường Ngân cũng vay của ngân hàng khác. Khi chúng ta đến lấy cà phê ra khỏi kho, các ngân hàng không đồng ý dù rằng NHNN chi nhánh cho phép MB thực hiện như vậy".
Lãnh đạo MB báo cáo cổ đông, hiện nay MB vẫn quản lý kho hàng và các tài sản thế chấp đòng thời giao cho công ty con của MB là AMC xử lý vụ việc.
Trước đó, công ty cà phê Trường Ngân đã dùng hơn 3.000 tấn cà phê (số cà phê này sau đó được xác định chỉ có 700 tấn là cà phê thật, số còn lại là vỏ cà phê, rác cùng hàng trăm loại tạp chất trộn lẫn đóng bao) để thế chấp vay vốn tổng cộng hơn 600 tỷ đồng tại 7 ngân hàng đó là Agribank, Vietinbank, OCB, Techcombank, Maritimebank, VIB và MB, riêng MB là 80 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã nhiều lần đến xiết nợ Trường Ngân nhưng không thành công do phát hiện cùng một tài sản nhưng thế chấp ở nhiều ngân hàng và nhà băng nào cũng nhận đó là tài sản của họ.
Liên quan đến MB, từ tháng 6/2013 ngân hàng đã cho người đến lấy tài sản là 615 tấn cà phê mà Trường Ngân thế chấp, tuy nhiên lại bị các ngân hàng khác ngăn chặn vì cho rằng đây là tài sản mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp vay vốn của họ.
Sự việc trở nên căng thẳng hơn vào tháng 12/2013 khi các ngân hàng tiếp tục đến xiết nợ và cho người giữ kho hàng. Ngày 23/12/2013, MB đã tổ chức một cuộc họp giữa các ngân hàng nhưng cuối cùng vẫn không phân định được ai có quyền quản lý kho cà phê của Trường Ngân.
Nguồn CafeF