Thứ Bảy | 03/11/2012 10:37

Có đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nghiêm trọng

Sau khi sa thải nhân công, khi có đơn hàng, không ít doanh nghiệp thiếu lao động, thậm chí còn có nguy cơ phá sản nếu không sớm giải quyết vấn đề.
Công ty Đóng tàu Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), vừa gửi danh sách 900 lao động trong diện cắt giảm biên chế lên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo yêu cầu tái cơ cấu của cả Tập đoàn.

Nhưng con số lao động mất việc làm thực tế không chỉ có vậy, mà 3 năm qua, vì tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn, công ty đã mất tới phân nửa lao động trong tổng số 5.700 lao động vào thời điểm hưng thịnh nhất.

Tuy không đến mức như Công ty Đóng tàu Hạ Long, nhưng không ít công ty trong cả nước cũng đã phải cắt giảm công nhân. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Công ty May mặc Hoa Hải đã phải cắt giảm hơn 70% lao động, hiện chỉ có vài chục công nhân.

Công ty TNHH Kim Long (Kiến An, Hải Phòng) trước có hơn 1.000 lao động, giờ chỉ còn một nửa. Công ty Sản xuất nến thơm Cretive Light (An Dương, Hải Phòng), do không có đơn hàng, nên từ chỗ có hơn 1.000 lao động giờ chỉ còn khoảng 300 công nhân…

Khi sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, phải tái cơ cấu hệ thống nhân sự, sa thải nhân viên là điều thường được các doanh nghiệp áp dụng. Nếu doanh nghiệp không sa thải, thì ở không ít trường hợp, người lao động chủ động xin nghỉ việc, bởi những lý do liên quan đến tiền lương, cơ chế đãi ngộ.

Tuy nhiên, sau một thời gian gián đoạn đơn hàng, không ít doanh nghiệp đã ký được hợp đồng mới và lại phải đối mặt với việc… thiếu lao động. Thừa đã dở, thiếu còn dở hơn, bởi một khi đơn hàng đã ký, không có lao động để thực hiện hợp đồng đúng hạn, doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Có doanh nghiệp đã phải từ chối các hợp đồng bấy lâu mong chờ, chỉ vì lý do thiếu lao động.

Giải bài toán này không đơn giản, bởi sau khi nghỉ việc, người lao động sẽ không còn muốn trở về công ty cũ và việc tuyển lao động mới cũng không dễ.

Thông tin cho biết, trung tuần tháng 7 vừa qua, sàn giao dịch việc làm ở Đồng Nai đã được mở, song chỉ tiếp nhận được 460 hồ sơ, trong khi nhu cầu tuyển dụng là 970 lao động. Công ty TNHH Hoàng Tuấn đang thiếu 200 lao động cho dây chuyền may giày xuất khẩu, do công nhân bỏ việc. Đi tới các khu công nghiệp, rất dễ nhìn thấy các băng-rôn quảng cáo tìm công nhân của các doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày.

Không có công nhân đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không nắm được cơ hội để khôi phục sản xuất - kinh doanh sau một thời gian dài suy giảm. Giám đốc một công ty chế biến gỗ chia sẻ, để có đủ nhân công làm việc ổn định, công ty đã thông báo tăng lương đồng loạt 20% và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ tốt. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác đã công bố rộng rãi các chế độ hấp dẫn, như phụ cấp nhà ở, đi lại, xăng xe, du lịch hàng năm, thậm chí là nghỉ phép lên 21 ngày…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trung, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công nghiệp Tuấn Huyền (Hải Phòng) cho biết, cùng với việc thực hiện các chính sách động viên cán bộ, công nhân cũ quay về làm việc, thuê các đơn vị cung ứng lao động để bổ sung nguồn lực, thì các doanh nghiệp có thể phải chấp nhận thuê công ty khác làm gia công. “Cũng có thể thuyết phục khách hàng cho lùi thời hạn giao hàng hoặc giao hàng từng phần”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT, cùng với các biện pháp ngắn hạn, trong trường hợp này, các CEO cần xây dựng chiến lược dài hạn cho vấn đề nhân sự; tính toán phương án đồng bộ hóa, hợp lý hóa trong sản xuất; đồng thời cân nhắc việc nhận các đơn hàng mới để giữ uy tín với khách hàng.

“Đối với việc tuyển dụng lao động, phải thực hiện rất bài bản như có chính sách tuyển dụng hợp lý, gắn chặt với trường dạy nghề, có hợp đồng lao động chặt chẽ, thậm chí, nên tính cả phương án mở trường đào tạo cho công ty trong dài hạn. Tất nhiên, trước tiên phải có chính sách giữ lao động hiện có, thậm chí cả trong trường hợp sản xuất - kinh doanh khó khăn. Phải làm sao để người lao động luôn sẵn sàng gắn bó với công ty”, ông Thắng nói.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện