Cơ chế thù lao cho đại diện SCIC tại các doanh nghiệp như thế nào?
Thù lao luôn là một vấn đề nhạy cảm mà người ta ngại nhắc đến. Tuy nhiên, diễn đàn lần này đã trực tiếp nhìn vào các cơ chế thù lao đồng thời nhìn sang nước bạn Thái Lan, các quốc gia phát triển khác để xây dựng cơ chế thù lao hiệu quả, trước hết phát huy vai trò của người đại diện vốn SCIC tại các doanh nghiệp, trực tiếp tăng hiệu quả kinh doanh của SCIC.
Mỗi cá nhân quản lý dưới 5 doanh nghiệp
Đó là quy định hiện nay đối với các cá nhân đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, đối với SCIC thông thường mỗi người đại diện vốn SCIC tại không quá 3 doanh nghiệp. Nếu không tham gia vào các vị trí quản lý, người đại diện SCIC không được hưởng một khoản thu nhập nào ngoài lương.
Các khoản thu lao dành cho thành viên HĐQT tại các doanh nghiệp sẽ phải chuyển về SCIC và SCIC ghi nhận vào doanh thu của công ty. Như vậy là, như ông Lai nói "trách nhiệm thì có, quyền lợi thì không".
Ngay cả cổ phiếu ESOP, là một ưu đãi dành cho cán bộ quản lý, thì người đại diện vốn cũng không có toàn quyền mua bán. Người đại diện sẽ được báo cáo lại với SCIC và SCIC sẽ quyết định mua bao nhiêu, cho phép người đại diện mua bao nhiêu với tư cách cá nhân, và tất nhiên phải bỏ tiền túi. Đặc biệt, SCIC còn giới hạn 1 cá nhân không được phép mua cổ phiếu ESOP cùng lúc tại nhiều doanh nghiệp mà cá nhân đó làm đại diện.
Rõ ràng với chính sách ESOP hiện nay tại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, không được tự do mua cổ phiếu ESOP là một thiệt hại đáng kể đối với các đại diện SCIC. Một con số được lấy ra tham khảo đối với thu nhập bình quân của CEO trong S&P 500 là có tới 40,8% thu nhập đến từ cổ phiếu thưởng.
Mô hình thù lao SCIC hiện nay như vậy chưa tạo động lực cho việc cán bộ SCIC đại diện tại các doanh nghiệp - khi họ được quản lý như một công chức nhà nước. Họ không có động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Lai còn cho biết nghị định hướng dẫn về người đại diện doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành, trong khi Bộ Tài chính mới là cơ quan quản lý SCIC. Chính vì vậy, các chính sách đưa ra phải mất một thời gian khá lâu để được phê duyệt, điều chỉnh.
Xung quanh vấn đề thoái vốn SCIC tại các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Song Lai cũng đồng thời cho biết hiện nay việc thoái vốn dưới mệnh giá vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Hiện tại muốn bán dưới mệnh giá, doanh nghiệp đó phải thua lỗ 3 năm liên tiếp. Điều kiện này không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay. Như vậy là bài toán thoái vốn nhưng vẫn bảo toàn vốn đến nay vẫn chưa lời giải tối ưu.
Nguồn CafeF