Thứ Sáu | 20/12/2013 09:06

Cơ chế cho vay theo Nghị định 41: Đã đến lúc phải sửa

TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, Nghị định sửa đổi tới đây không nên quy định mức cho vay tín chấp bao nhiêu, sẽ rất khó khăn trong thực hiện. “Chỉ nên quy định các NHTM được phép cho vay tín chấp hoặc tài sản bảo đảm theo quyết định của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ngắn gọn và dễ thực hiện nhất”, ông Hưởng đề nghị.

Nhiều ngân hàng có dư nợ tam nông hơn 40%

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) đã đi vào cuộc sống và trở thành kênh truyền tải vốn quan trọng đầu tư cho NNNT. Để hoàn thiện hơn chính sách cho vay này, nhất là khi Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41 do NHNN tổ chức, lãnh đạo NHNN các tỉnh, thành phố, các TCTD đã đánh giá những thành công, hạn chế, đồng thời đưa ra kiến nghị để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định này.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NNNT là mặt trận quan trọng không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà còn là chiến lược trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, từ những khó khăn, vướng mắc mà các TCTD gặp phải khi triển khai Nghị định 41, NHNN sẽ tập hợp làm cơ sở kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 41 trong thời gian tới.

Tính đến ngày 30/9/2013, dư nợ cho vay NNNT của các TCTD, chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), đã đạt 646.706 tỷ đồng, tăng 15,17% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 19,58% dư nợ nền kinh tế. Bên cạnh Agribank luôn đi đầu và duy trì tỷ trọng cho vay đối với NNNT ở mức gần 70% dư nợ, nhiều NHTM khác cũng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này và đạt mức tăng trưởng ấn tượng: VietinBank đạt 68.500 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với trước khi triển khai Nghị định 41; Vietcombank là 33.000 tỷ đồng; BIDV đạt trên 38.600 tỷ đồng. Một số NHTMCP cũng có mức tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực tam nông trên 40% tổng dư nợ như LienVietPostBank, BacABank, MDB, SHB. Riêng VBSP đã thực hiện cho vay 21 chương trình tín dụng, tập trung ở khu vực NNNT với tổng dư nợ gần 118.500 tỷ đồng.

“Cơ cấu đầu tư tín dụng cho NNNT trong những năm gần đây đã tập trung vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. Trong sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tại tất cả các vùng miền cũng đã tiếp cận được các chính sách tín dụng theo Nghị định 41, từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp”, ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định và cho biết, tín dụng ngân hàng còn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình sản xuất mới, mang lại thu nhập cao hơn và phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống ở nông thôn.


Ngư dân khi vay vốn chỉ muốn được tín chấp bằng những mẻ lưới bội thu như thế này

Vướng ở pháp lý

Kết quả cho vay theo Nghị định 41 là đáng ghi nhận, tuy nhiên sau 3 năm triển khai lĩnh vực này đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Một số ý kiến đề xuất, Nghị định 41 quy định 8 lĩnh vực được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng căn cứ vào phân ngành kinh tế hiện nay, nên bổ sung thành 9 lĩnh vực, trong đó có “cho vay để thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản”.

Một vấn đề khác, theo quy định hiện hành cho vay tín chấp đối với các đối tượng là hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã ở 3 mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng và 500 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, các mức này đã áp dụng từ năm 2010, tuy nhiên xu hướng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sản phẩm nông nghiệp đã thể hiện rõ nét tính hàng hóa, liên kết và quy mô sản xuất tăng… Do đó, các mức cho vay hiện hành không còn phù hợp. Vì vậy, có thể nâng các mức cho vay tối đa 100 triệu đồng, 400 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Với liên hiệp các hợp tác xã có thể mức cho vay tối đa lên đến 2 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, Nghị định sửa đổi tới đây không nên quy định mức cho vay tín chấp bao nhiêu, sẽ rất khó khăn trong thực hiện. “Chỉ nên quy định các NHTM được phép cho vay tín chấp hoặc tài sản bảo đảm theo quyết định của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ngắn gọn và dễ thực hiện nhất”, ông Hưởng đề nghị.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, ngân hàng cung cấp vốn là một chuyện, nhưng người nông dân có được hưởng thụ lợi nhuận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, khó khăn nhất với người nông dân ở khâu bảo quản sau thu hoạch. Nhiều thương lái chờ tới khi nông sản gần hỏng rồi đến mua với giá bèo. Vì vậy, cần có quy định thêm hình thức cho vay liên danh (tổ hợp khoảng 30 - 35 người) để người nông dân có kho dự trữ, tránh bị ép giá. Bên cạnh đó, cần phải khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng mẫu lớn và sản xuất lớn được.

Ông Nguyễn Tiến Đông – Phó tổng giám đốc Agribank cũng đưa ra một loạt các vướng mắc cần điều chỉnh trong thời gian tới như, cho vay lĩnh vực NNNT chủ yếu là món vay nhỏ, chi phí cao nhưng trích lập dự phòng và xử lý rủi ro lại giống như các đối tượng khác. Một số địa phương vẫn thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản khi thực hiện cho vay các đối tượng theo Nghị định 41…

Ông Đông đề nghị: Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung sửa đổi Nghị định 41 để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân có đất sản xuất nông nghiệp nhưng cư trú tại các vùng ven thành thị, thị trấn cũng được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn không có tài sản đảm bảo. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để các địa phương, bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại, tạo cơ sở pháp lý cho đối tượng này được vay vốn thuận lợi. Chính phủ cần mở rộng cơ chế, chính sách khuyến khích các công ty bảo hiểm và người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Quy hoạch, quản lý phát triển kinh tế vùng, cây con, phát triển mô hình liên kết 3 nhà: doanh nghiệp – ngân hàng – hộ sản xuất…

Đức Nghiêm

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện